Sunday, September 26, 2010

NHÀ CỦA CHÚA Ở ĐÂU?

Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Đức Giê-su trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." (Mt 8, 19-20)

CHỖ MÌNH Ở CÒN RỘNG LẮM!

Nhà đang sửa nên vấn đề chỗ ở là vấn đề lớn cho anh em. Thi thoảng có việc về tìm vội đến phòng người anh em ở tạm cho qua ngày qua bữa. Phòng chật nên người ngủ dưới đất kẻ ngủ bên trên. Người anh em thấy ngài ngại vì nhà của người xin tá túc tuy không rộng nhưng đủ chỗ để nương thân thư thả hơn mà lại nằm đất.
Chiều nay, hai anh em rông bộ vào trung tâm ung bướu thăm vài người đang trị bệnh. Vội bước lên lầu 2 nơi các em nhỏ trú ngụ. Người anh em trố mắt khi nhìn thấy căn phòng gấp 4 lần căn phòng người anh em trú học nhưng lại là chỗ tá túc cho 28 em nhỏ mang căn bệnh quái ác cùng ngần ấy phụ huynh đang dõi bước với các em. Có những em còn quá nhỏ thì có cả cha lẫn mẹ đi theo để đỡ đần cho bé. Và như vậy, sự quá tải về con người trong căn phòng chật chội ấy không tài nào tránh khỏi. Không phải chỉ ngày này, tháng này nhưng tình trạng quá tải nơi trung tâm ung bướu là điều “thường ngày xảy ra ở huyện”.
Chẳng ai mong vào nơi mà sự sống quá mong manh ấy. Những người kém may mắn thì đành chịu với những cảnh đời chen chúc như vậy.
Cũng nơi ấy, trên lầu các em, những người lớn cùng mang chứng bệnh như các em cũng chẳng hơn gì các em là mấy. Những chiếc giường sắt cũ kỹ cũng “cõng” trên mình 5 thân phận. Chật quá nên chẳng còn cách nào khác là họ nhường nhau kẻ nằm đất người nằm trên. Bên trên quay qua quay lại cưu mang cũng chỉ 2 người, còn lại dưới gầm giường và khoảng giữa chia được 3. Thân nhân không còn chỗ nào khác đành chọn chốn hành lang.
Đang khi đi dọc hành lang chuyển từ phòng này sang phòng khác thăm các em và bệnh nhân thì người anh em ghé tai tôi nói nhỏ “chỗ mình ở còn rộng lắm!”.
Xuống dưới tầng trệt thì cũng chẳng khá hơn là bao. Nhìn những chiếc chiếu manh nằm trong góc tường cũng đủ hiểu đó là nơi tá túc cho những con người không nơi nương tựa.
Chia tay các em trở về nhà. Trên đường về nhà câu nói “chỗ mình ở còn rộng lắm” cứ còn văng vẳng bên tai.
Thật ra mà nói thì con người, ai ai cũng có nhu cầu sống một cuộc sống tươm tất xứng với phẩm giá một con người cả. Thế nhưng mà, có những lúc, có những hoàn cảnh đã đưa đẩy con người vào “khúc quanh” nào đó không thể thay đổi được. Chỉ những ai đụng, chỉ những ai chạm, những ai sống trong cái “khúc quanh” ấy mới hiểu được phận người là gì.
Chẳng ai muốn bệnh nhưng khi đổ bệnh thì cũng phải mau vào đây để tìm thầy tìm thuốc xoa dịu phần nào cơn đau của cơ thể hay tìm lại sự sống bình thường như bao người khác. Thế nhưng mà nghiệt ngã, nghịch lý, sự thật vẫn là sự thật khi phải sống chen chúc trong một căn phòng be bé như vậy. Đơn giản cho những sinh hoạt tối thiểu của con người ở nơi đây quả là tìm sao không thấy.
Nhìn những căn nhà cao thật cao, to thật to lại nghĩ đến những con người đang phải chen chúc nhau trong những căn phòng chật hẹp.
Đôi khi vì hoàn cảnh nào đó như hoàn cảnh hiện tại của gia đình trong thời gian sửa chữa. Ắt hẳn sẽ chật hơn, sẽ bất tiện hơn, sẽ thiếu thốn hơn thường nhật nhưng nhìn đi nhìn lại mình vẫn hạnh phúc hơn nhiều người.
Có lẽ nên đi, có lẽ nên vào những nơi những chỗ mà cuộc sống của con người không chỉ tính ngày tính tháng mà những tiện nghi tối thiểu cũng không có ta sẽ hiểu được cuộc sống của ta.
Nhiều khi chỗ của ta ở còn rộng lắm, còn tốt lắm nhưng ta đâu ngờ rằng quanh ta có những con người ngày đêm vừa phải vật vả để chống chọi với sự sống do chứng bệnh nan y mà còn phải cố để tìm chút hơi thở trong lành trong căn phòng chật chội.
Đêm dần xuống, giấc ngủ đã kề bên nhưng sao những con người bất hạnh cứ mãi đâu đây…
Thanh Tâm

"Lạy Chúa, họ là những người anh em của Chúa, những người chấp nhận những không gian chập hẹp để mong được cứu sống, là những người Chúa đang đồng hành, cùng chịu những đau khổ của kiếp làm người. Nhà của Chúa là bên cạnh họ!? Xin giúp chúng con luôn nhận ra hình ảnh Chúa nơi những người kém may mắn. Và xin chỉ dạy chúng con cách trở thành nguồn an ủi cho họ."

Thursday, September 23, 2010

NGƯỜI BẠN NHỎ

Chúa kính yêu.
Sáng nay đi học, các bạn lớp con đón nhận một tin buồn từ một người bạn nhỏ trong lớp. Chắc Chúa đã biết hết mọi sự rồi, nhưng con vẫn muốn viết ra đây để tâm sự với Chúa.
Tin buồn! Không có sự mất mát về con người nào ở đây cả, nhưng đó lại là sự mất mát về vật chất và tinh thần.
Người bạn nhỏ đó vốn dĩ đã chẳng được may mắn lắm trong cuộc sống. Gia đình ở vùng quê nghèo. Ba mẹ làm thuê kiếm sống từng ngày. Bạn nhỏ cũng phải "bơi" với các lớp dạy thêm để trang trải cho sinh hoạt và học tập của mình ở thành phố này. Hoàn cảnh gia đình là vậy, cộng thêm tính khí cũng "hơi khó" nên lại càng ít bạn bè hiểu và quan tâm chia sẻ. Những khó khăn của bạn nhỏ rất ít người biết đến. Vậy nên, bạn nhỏ dường như sống khép kín trong vỏ bọc tính cách "dễ cảm thấy khó chịu với mọi người". Bạn nhỏ chẳng sống chung được với ai nên dù không có nhiều tiền, bạn vẫn chấp nhận thuê riêng một phòng và ăn... mì gói. Người bạn nâng đỡ tinh thần bạn những lúc cô đơn, buồn tủi nhất không phải là một con người, nhưng lại là... một chiếc laptop được một nhóm hội gì đó tặng. Nghe thật lạ nhưng điều này cũng không khó hiểu lắm! Phải vậy không Chúa nhỉ? 
Thương thay! Bàn tay nào vô tâm đã lấy mất "người bạn thân" của bạn nhỏ mất rồi! Lấy cả giấy tờ tùy thân, số tiền ít ỏi của ba mẹ gom góp vừa mới gửi cho bạn, cả chiếc điện thoại bạn nhỏ mượn tiền mua chưa kịp trả một đồng nào. Bạn nhỏ đã không có gì nhiều giờ lại thành trắng tay. Bạn nhỏ đã khóc rất nhiều; khóc vì mất tài sản quí giá của cả gia đình bạn tích góp, nhưng hơn hết bạn khóc vì nhớ "người bạn thân". Không có nó bây giờ bạn tìm đâu ra chỗ tựa nương tinh thần mỗi lúc khó khăn, cô đơn hay buồn tủi cho số phận mình...
Các bạn trong lớp đã cố gắng an ủi bạn và tìm mọi cách có thể để giúp bạn vượt qua mất mát này. Bạn nhỏ dường như cũng nguôi ngoai phần nào. Tuy nhiên, bạn nhỏ vẫn không muốn nhận sự hỗ trợ về vật chất (tuy không nhiều) của các bạn trong lớp. Đón nhận về mặt tinh thần đối với bạn nhỏ lúc này dường như dễ dàng hơn. Các bạn đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn bị hạn chế về không gian và thời gian. Tất cả các bạn đều phải tiếp tục nhịp sống, sinh hoạt và học tập của mình nên đành phải để bạn nhỏ trở về quê với gia đình trong một khoảng thời gian ngắn để lấy lại tinh thần, sau đó mong là bạn nhỏ có thể quay trở lại thành phố này và tiếp tục con đường học tập của mình.

Chúa ơi! Hình ảnh của Chúa ngay trước mắt chúng con. Hình ảnh của những con người đau khổ và chịu nhiều thua thiệt! Con nhận ra và con thấy xót thương, nhưng con chưa tìm ra được cách nào tốt nhất để cùng mọi người nâng đỡ bạn nhỏ lúc khó khăn. Ngồi cạnh bạn nhỏ để nghe bạn khóc và an ủi bạn. Chúng con chỉ có thể làm được như vậy. Do vậy, chúng con chỉ biết kêu cầu đến Chúa: Xin Chúa đồng hành và nâng đỡ bạn nhỏ. Với ơn Chúa giúp, chúng con tin rằng rồi mọi việc sẽ tốt đẹp lại với bạn nhỏ. Lâu hay mau, có lẽ Chúa muốn chúng con cộng tác (?!!!). 
"Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Xin dạy bảo con nước bước của Ngài." 

Bluefish

Wednesday, September 22, 2010

TRĂNG SÁNG TỎ

Thiên Chúa phán: "Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất." Liền có như vậy. Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư. 
(St 1, 14 - 19) 

Chú Cuội
Ngày Tết Trung Thu người ta hay nói về Chú Cuội ngồi gốc cây đa và ôm cả một mối mơ. Như bài hát đã từng được nhiều người ưa thích: “Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ”. Vậy chú Cuội là ai?     
Chú Cuội theo chuyện thần thoại của Trung Quốc tên là Ngô Cương. Xưa kia Ngô Cương đã tu và đắc đạo thành tiên, nhưng sau vì làm nhiều điều xằng bậy trên thiên đình đã bị Ngọc Hoàng nổi giận, bắt đày xuống cung trăng, trao cho việc chặt và bóc vỏ cây quế đỏ. Thế nhưng cây quế đỏ này lại cứng như thép, nên ngô Cương chặt mãi, bóc hoài cho đến bây giờ cũng chẳng xong. Vì vậy mỗi đêm nhìn lên mặt trăng, chúng ta mới thấy bóng Ngô Cương đang lúi húi ở dưới gốc cây quế.
Còn ở Việt Nam chúng ta thì Ngô Cương lại chính là chú Cuội. Và cái bóng mà người Trung Quốc gọi là cây quế đỏ, thì lại chính là cây đa thần. Vì thế mới có câu:
Thằng cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Chú Cuội theo truyền thuyết. Đó là một kẻ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú. Suốt đời đánh lừa mọi người. Hồi còn nhỏ, ngày kia vì cha mẹ đi vắng, chú phải coi nhà. Buồn tình, chú bỗng nghĩ ra một trò chơi, nên vội kêu la thất thanh:
- Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với!
Mọi người hối hả mang chậu, xách thùng tới tiếp cứu. Thấy vậy, chú bèn cười ngặt nghẹo đến vãi cả nước mắt. Lần khác, chú ngồi thổi cơm, chẳng may để lửa bén vào đống rơm và căn nhà bốc cháy. Chú cũng kêu la thất thanh:
- Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với!
Thế nhưng, lần này chẳng một ma dại nào đến tiếp cứu cho chú cả. Vì thế, dân gian mới bảo:
Bắc thang lên đến tận mây,
Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời.
Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười,
Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây.
Cũng bởi hay cái tính táy máy này, mà chú Cuội bỗng trở thành hình ảnh tượng trưng cho những kẻ chuyên môn lừa gạt: nói dối như cuội. Hay nói một đàng làm một nẻo: hứa cuội có nghĩa là hứa lèo, hứa thì rất nhiều mà chẳng làm được gì sất, đầu voi đuôi chuột, trăm voi không được một bát nước xáo.
Tại sao ngày Tết Trung Thu mà người ta lại kể chuyện về chú Cuội, một đứa trẻ hư đốn trong ngày vui của các em? Có lẽ không phải tình cờ hay ngẫu nhiên, vì kho tàng văn học cổ tích là tiếng nói của khát vọng con người vươn tới sự hoàn thiện. Cha ông kể chuyện về chú Cuội để răn đời, để dạy con cháu, đừng sống như chú Cuội kẻo phải ôm gốc cây đa cả đời. Vì ngày Tết Trung Thu được xem là ngày tết của thiếu nhi, của tuổi thần tiên, nên cha ông ta đã dùng rất nhiều những câu chuyện thần tiên để hướng các em tới sự hoàn hảo nhất của con người.
Theo Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn yêu thích tâm hồn trẻ thơ, Ngài luôn tìm dịp để gần gũi các em, Ngài không chỉ yêu mến, chúc lành và bênh vực mà hơn thế nữa còn lấy trẻ nhỏ làm khuôn vàng thước ngọc cho người lớn phải noi theo:
- Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước trời đâu.
Nhìn vào trẻ nhỏ, chúng ta sẽ ghi nhận được biết bao nhiêu nhân đức cao đẹp. Trước hết, nơi trẻ thơ không có sự gian dối, chỉ có đơn sơ chân thành.
Thực vậy, trẻ thơ cần phải luôn đơn sơ chân thành, không ăn gian nói dối như Cuội. Kinh nghiệm cha ông ta vẫn nói: Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Thế nhưng ngày nay nhiều trẻ thơ đã nhiễm thói đời hay nói dối, nói quanh co, không dám nói sự thật. Điều đó đã làm cho các em đánh mất tuổi thơ của mình. Nếu một em bé đã nhiễm thói ăn gian nói dối là tự mình đánh mất tuổi thơ, đánh mất vẻ hồn nhiên tươi vui, và sẽ làm cho con người ra già cỗi, và tự đày đoạ mình như chú Cuội, suốt đời ôm một mối mơ.   
Thứ đến, nơi trẻ thơ không có hận thù, bạo lực, mà chỉ có một tình yêu thương dạt dào và không biên giới.
Mẩu chuyện mang tựa đề “Đứa bé của hoà bình”, trong mục nghệ thuật sống của báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, đã kể rằng:
“… Hôm ấy, tôi được trao nhiệm vụ đi thám thính cho bộ lạc của mình. Sau 3 ngày đêm ròng rã, tôi phát hiện một túp lều của kẻ thù. Tôi bò từng bước đến gần và khoét một lỗ nhỏ bằng bàn tay trên vách. Nhìn vào trong, tôi thấy một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi sưởi bên bếp lửa và một thằng bé chưa đầy 2 tuổi đang chơi cạnh đó. Với bước chân đi chập chững, nó đứng dậy cầm chiếc thìa gỗ thọc sâu vào nồi xúp, rồi nó bắt chước người lớn khuấy đi khuấy lại nhiều lần. Bất thần đứa bé quay sang nhìn đúng ngay cái lỗ mà tôi đã khoét để ngó vào trong lều. Tôi hốt hoảng sợ bị phát giác. Nhưng đúng lúc bố mẹ của nó đang mải mê bên bếp lửa, đứa bé lại thọc cái thìa gỗ vào nồi, rồi múc lấy một ít xúp và đưa thẳng vào miệng tôi. Cứ thế, nó xúc cho tôi ăn liên tiếp nhiều lần mà bố mẹ nó vẫn không hề hay biết. Cuối cùng thì tôi quyết định phải rút lui và tìm đường trở về bộ lạc của mình. Nhiệm vụ đã hoàn tất, tôi đã tìm được vị trí đóng trại của kẻ thù… Tôi cắm cổ chạy trên tuyết cho tới khi đuối sức thì dừng lại… Hình ảnh và cử chỉ của thằng bé đã không buông tha tôi lấy một giây. Nó là ai? Tại sao nó lại can đảm múc xúp cho kẻ thù của bố mẹ, của cả bộ tộc nó? Sức mạnh thiêng liêng nào đã thúc đẩy nó làm như vậy? Cứ thế, tôi suy nghĩ miên man về thằng bé, nó phải được sống trong trận càn quét sắp tới. Tôi chợt nảy ra ý định phải quay trở lại tức khắc, bí mật giết chết bố mẹ thằng bé rồi bắt cóc nó đem về nuôi dạy theo phong tục của bộ lạc mình. Thế nhưng thú thật là tôi không thể làm như vậy vì thằng bé còn quá nhỏ, nó cần được chính bố mẹ nó nuôi nấng. Nghĩ như vậy, tôi quay trở lại túp lều, đi thẳng vào cửa trước. Bị bất ngờ, đôi vợ chồng trẻ kinh hoảng, nhưng tôi ra dấu trấn an họ ngay. Nhận thấy tôi không có ý gì đe doạ, họ đã vui vẻ mời tôi vào, ngồi bên bếp lửa. Người chồng chuẩn bị một tẩu thuốc, người vợ bưng xúp để mời khách, còn thằng bé thì mừng rỡ như nhận ra khuôn mặt quen thuộc của tôi. Và thế là nó lại lấy chiếc thìa gỗ xúc một ít xúp, phùng má thổi phù phù cho bớt nóng, rồi mới đưa vào tận miệng tôi. Tôi chậm rãi tiết lộ tông tích của mình và bảo họ: trước tiên vì sự hồn nhiên vô tư của thằng bé, kế đó vì lòng hiếu khách của anh chị, tôi sẽ không làm gì hại đến gia đình bé nhỏ này. Anh chị hãy mau mau lánh nạn đi ở chỗ khác. Không sớm thì muộn, bộ lạc chúng tôi cũng sẽ phát hiện nơi này, họ sẽ đến và chiến tranh hận thù sẽ xảy ra. Hình ảnh cuối cùng mà tôi còn giữ mãi chính là hình ảnh thằng bé được mẹ địu trên lưng, tay vẫn múa may chiếc thìa gỗ và mỉm cười với tôi. Mùi tử khí trong tôi đã được thay thế bằng mùi xúp thơm phức mà thằng bé đã đưa tận miệng tôi. Tôi đã từ bỏ thói hung hăng hiếu chiến, lòng hận thù dai dẳng trong tôi cũng đã tắt ngấm. Càng có tuổi, tôi càng tin rằng tất cả chúng ta cần phải có một “đứa bé của hoà bình” như thế, mãi mãi ở giữa chúng ta”.
Vâng, hôm nay trẻ thơ đang bị đánh cắp tuổi thơ. Bạo lực xảy ra khắp nơi. Ngay ở gia đình là nôi hạnh phúc cũng trở thành bãi chiến trường của cha, của mẹ. Trẻ thơ đã sớm thấy cảnh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay của những người thân trong gia đình và nhất là trên truyền hình thì lại càng đầy rẫy những cảnh bạo động với máu đổ lênh láng trên đường. Một thế giới đổ nát như thế làm sao dạy cho các em sống yêu thương và khao khát hoà bình? Đó chính là trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ, và các nhà giáo dục phải trả lời trước lương tâm của mình.
Hôm nay, ngày tết của tuổi thơ, chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các em thiếu nhi trong giáo xứ biết gìn giữ nét đẹp tuổi thơ của mình bằng việc luôn sống đơn sơ, ngoan hiền, luôn vâng lời cha mẹ và sống chân thật để được Chúa luôn yêu thương và chúc lành. Chúng ta cũng cầu xin cho mọi người trên thế giới biết sống hoà thuận với nhau, để cùng nhau kiến tạo nền hoà bình trên địa cầu này, nhất là các bậc cha mẹ luôn biết sống yêu thương và sẵn lòng tha thứ cho nhau để tuổi thơ được an vui sống trong vòng tay yêu thương của cha, của mẹ. Amen.

Jos Tạ duy Tuyền

"Xin Chúa chúc lành cho tất cả các trẻ thơ, đặc biệt là những em vẫn còn kém may mắn"

Tuesday, September 21, 2010

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

"Thiên Chúa là ai?" là một trong những câu hỏi căn bản nhất mà chúng ta có thể hỏi về Thiên Chúa. Thánh Gioan trả lời câu hỏi này với những lời được linh ứng: "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4, 8). Bây giờ thì chúng ta biết Thiên Chúa là ai. Thiên Chúa là Tình Yêu. Tiếc thay, hiểu được điều này thì không đơn giản. Làm sao chúng ta là những thụ tạo mọn hèn, với trí thông minh hữu hạn, lại có thể mong hiểu được Mầu Nhiệm Thiên Chúa là ai.

Tất cả những gì chúng ta biết về "tình yêu" đến từ những trải nghiệm mang tính con người của chúng ta về tình yêu. Làm sao chúng ta có thể mô tả Tình Yêu của Ba Ngôi Vinh Hiển với những kinh nghiệm giới hạn và bất toàn về tình yêu? Tình yêu của chúng ta đến rồi đi. Chúng ta bắt đầu yêu một người nào đó và rồi tình yêu đó thay đổi. Nó lớn lên yếu ớt. Thậm chí nó có thể mất đi. Thật may cho chúng ta, Thiên Chúa không yêu theo cách đó. Tình yêu của Người không thể đổi thay. Người không thể đang bắt đầu yêu chúng ta bởi vì tình yêu của Người vĩnh cửu, vĩnh cửu như Bản Thể của Người là. Thiên Chúa không ban phát tình yêu. Người chỉ đơn giản là Tình Yêu. Bản Tính và Bản Thể của Người, sự Hiện Hữu và Hoạt Động của Người là Hành Động Yêu Thương vĩnh hằng, không giới hạn và không đổi thay.
...
Cầu nguyện và trưởng thành cá nhân (Lm. Bill Schock, S.J)

"Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra Tình Yêu của Người luôn hiện diện trong cuộc đời chúng con."

Sunday, September 19, 2010

CHÚA ĐÃ CHO CON CUỘC SỐNG NÀY

"Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!"
(Tv 139, 14)

NGHĨA TRANG CỦA NHỮNG VẦN THƠ CHO THAI NHI

Trời mưa tầm tã suốt một quãng đường dài, con đường mới làm có mấy năm mà sao đã xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn đường đã lột hết phần nhựa để trơ ra phần đất gồ ghề trơn trượt hết sức nguy hiểm... Mãi rồi tôi cũng đến được thành phố Buôn Ma Thuột vào lúc 11 giờ đêm.
Đêm dài thêm mãi trong trằn trọc vì lòng cầu mong cho ngày mai quang tạnh, để tôi có thể sắp xếp được một chút thời gian trong chuyến công tác mà viếng thăm Nghĩa Trang Đồng Nhi tại thành phố cao nguyện cho thỏa tâm nguyện bấy lâu.
Thật may, sáng hôm sau, nắng đã lên xua tan những lo lắng trong lòng. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của chị Ngọc Lan. Tôi dễ dàng tìm đến Nghĩa Trang Đồng Nhi thuộc Giáo Xứ Thánh Tâm. Vào đến cổng, tuy trời còn sớm, nhưng điều đập vào mắt tôi trước tiên là có rất nhiều những nén nhang đã được thắp sáng tỏa thơm ngào ngạt trên những ngôi mộ nhỏ bé. Trên phần mộ nào tôi cũng thấy những bông hoa đủ màu rực rỡ xua bớt đi cái u ám thường thấy nơi những bãi tha ma mộ địa.
Nghĩa trang này xây dựng cách đây cũng mấy chục năm rồi, để chôn những người đã khuất trong Giáo Xứ. Hiện nay, khi bước vào, bất cứ ai cũng có thể nhận ra ba phân khu riêng biệt để an táng các thai nhi bị trục phá trong thành phố cao nguyên.
Chỉ riêng vài năm nay, khi những thai nhi đầu tiên được chôn cất tại đây cho đến giờ, số các thai nhi đã nhiều gấp trăm lần số người chết mấy mươi năm cộng lại.
Sau những phút cầu nguyện, tôi lặng lẽ đi từng ngôi mộ của các thai nhi, tôi gặp một thanh niên đang cắm nhang và sửa sang những cành hoa. Hỏi thăm, anh cho biết tên anh là Tèo, một người không có đạo, làm công việc chăm sóc những phần mộ này đã ba năm nay mà không bao giờ đòi hỏi một chút công xá hay thù lao, tất cả chỉ là thiện nguyện. Câu trả lời của anh thật giản dị như con người đơn sơ của anh vậy: “Thấy các em tội nghiệp quá”. Thậm chí xin chụp một tấm hình với anh để làm kỷ niệm anh cũng không bằng lòng.
Người tôi gặp tiếp theo là chị Hà. Hằng ngày, chị nhận quét dọn khu nghĩa trang này. Chị cho tôi biết, ngày nào cũng vậy, nghĩa trang này đón nhận từ 30 em trở lên, lớn có, nhỏ vài tuần tuổi có, mỗi phần mộ khi chôn một em lớn thì kèm thêm 4 hay 5 em nhỏ. Chúa ơi, cái thành phố của ly cà phê “Buồn Muôn Thuở” bé tí teo này mà con số hằng ngày đã là vậy, huống chi những thành phố lớn khác như Sàigòn, Hà Nội… đầy rẫy chuyện tự do luyến ái, cộng thêm những ăn chơi sa đọa thì con số còn kinh khủng đến mức nào.
Lần đầu tiên được viếng thăm Nghĩa Trang Đồng Nhi, tôi được nhìn ngắm rất nhiều những tấm bia trang trọng, không tên tuổi, chỉ có ngày lập mộ, chỉ có tên các ân nhân, thi thoảng mới có cái ghi thêm tên cha mẹ. Không một di ảnh trên mộ chí, chỉ có những con số, ngày tháng lạnh lùng…


Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là có rất nhiều những bài thơ được khắc trên các ngôi mộ bé tí, những bài thơ như những dòng tâm sự nghẹn ngào làm xúc động người viếng thăm. Những bài thơ rất thật, đơn sơ giản dị đến đắng lòng. Những vần thơ như đôi bàn tay nhỏ bé chắp vào nhau khẩn cầu với chính người đã tác tạo nên hình hài của các cháu. Vậy là rồi đây, cũng thật là éo le, trong lịch sử thi ca Việt Nam sẽ phải có thêm một phân đoạn mới, phân đoạn thơ ca dành cho các thai nhi này.
Con mong mở mắt để được nhìn cha mẹ
Sao cha mẹ nỡ lòng lại vứt bỏ con đi
Đứa con này không tủi hổ cha mẹ đâu
Con xin cha mẹ, ngàn lần xin cha mẹ.
Nghe cay đắng quá, nghe mà lòng thấy quặn đau. Và ở đây, chúng ta có thể thấy được một tội ác dã man mà nhân loại đã đối xử với những thai nhi này. Cho chúng ta thấy một thế hệ mà lương tâm, tính bản thiện của người đời đã ra chai đá, lạnh lùng...
Thân xác con lấy ra từng mảnh vụn
Có khóc có thương cũng chẳng được gì
Một vết thương vô cùng đau đớn
Lỗi lầm này cha mẹ mãi không quên.
Hay như những lời thở than cầu cứu trong vô vọng, một tiếng kêu cháy lòng nỗi oan khiên khi thần chết đến mà vô phương chống đỡ, chỉ mong chờ vào tình thương ruột rà của người mẹ, người cha nhưng cũng chẳng được dù chỉ là chút hy vọng mong manh.
Con muốn sống nhưng cha mẹ không cho sống
Khóc thương phận mình nào tủi hổ ai đâu
Tuy bé nhỏ không có sức chống đỡ
Cha mẹ không sinh mà hủy diệt con đi.
Những câu hỏi của các em vang lên chờ đợi với niềm tin tuyệt vọng, những câu hỏi còn bỏ ngỏ đó như muốn biết rằng tại sao em phải chết, có còn đau xót nào hơn ?
Con đã chết vào ngày kính Thánh Gioan tiền sứ
Đã làm người nhưng chẳng được sinh ra
Cha mẹ ơi con có tội tình gì
Không đón nhận còn phân thây trăm mảnh.
Quang cảnh đìu hiu của một trời chiều lặng lẽ được khắc lên bia đá như để người xem phải chịu lấy một tâm tư nặng trĩu đầy oan trái của một kiếp người chẳng được sinh ra. Hình ảnh thật buồn, thật ảm đạm cho lòng người phải se thắt.
Chiều thứ bảy mưa rơi tầm tã
Nghĩa trang buồn vắng lặng đìu hiu
Liệm xác con lòng buồn ray rứt
Nói gì đây hết tội lỗi thế gian.
Con cha mẹ không duyên không phận
Được làm người ở với mẹ cha
Sao cha mẹ không thương không xót
Một nén nhang cha mẹ cũng không cho.
Thân phận lạc loài nên cái chết cũng bơ vơ côi cút. Không người thân, không cả mẹ cha, không có tiếng trống ru hồn mà chỉ có những giọt lệ lăn dài quyện lẫn với mồ hôi của những người thiện nguyện đưa em về chốn vĩnh hằng.
Chiều chủ nhật nghĩa trang buồn lặng lẽ
Liệm xác con tại phần mộ đồng nhi
Cha mẹ đâu sao con chẳng thấy
Vứt bỏ con rồi cha mẹ có hối hận không.
Và tâm sự của những ân nhân, tâm sự của những con người thiện nguyện đơn sơ như anh Tèo, chị Hà, chị Ngọc Lan tại nghĩa trang này. Niềm tâm sự ấy đã vang lên như tiếng chuông cảnh báo, nhưng chẳng đọng lại bao nhiêu giữa cái xã hội nghiệt ngã chỉ còn có biết coi trọng đồng tiền, còn tình người thì chỉ là một cơn gió thoáng qua.
Tôi khóc thương những sinh linh bé nhỏ
Tội tình gì mà phải bị phân thây
Dẫu cha mẹ có khóc thương đi nữa
Con có lỗi gì cha mẹ bỏ con đi.
Trong cái oan nghiệt tột cùng đớn đau ấy, tâm hồn trẻ thơ vẫn trắng tinh, thanh khiết như bản chất mà Thiên Chúa đã phú ban cho các em. Cái giá phải trả cho dù đau thương không bút nào tả xiết, vẫn một lòng tha thứ cho mẹ cho cha, vẫn cầu xin lượng hải hà của Thiên Chúa thứ tha cho cha mẹ, thứ tha mọi lỗi lầm cho những bàn tay đã vấy máu các em.
Thật là oái oăm, thật là xót xa đau đớn !
Khi biết được cha mẹ quyết bỏ con
Trong bụng mẹ, con rơi nước mắt
Khóc van xin nhưng cha mẹ không tha.
Cuối cùng rồi con giã từ cha mẹ,
Con ra đi và ra đi mãi mãi
Nỗi đau này cha mẹ mãi không quên,
Con xin Chúa thứ tha cho cha mẹ.
Mong cha mẹ đừng làm nên tội nữa
Và ăn năn xin Chúa thứ tha.
Con cũng đã không oán hờn cha mẹ
Và mãi mãi con không oán giận.
Và đây, tấm lòng bao dung tuyệt đối của Chúa Cha nhân hậu, lời kêu gọi thiết tha ăn năn sám hối, lời kêu gọi tình yêu, lời kêu gọi Bảo Vệ Sự Sống và Ngài chờ đợi chúng ta một lời đáp trả cho tình yêu bao la của Ngài, chờ đợi chúng ta từng giây, từng phút quay về với lương tâm trong sạch, với tình người trong trách nhiệm mẹ cha.
Thiên Chúa của con giầu lòng nhân ái
Sẽ tha thứ lỗi lầm cha mẹ đã gây nên
Nhưng Chúa muốn cha mẹ ăn năn thống hối
Tội lỗi mình sẽ được Thiên Chúa thứ tha.
Cả một rừng thơ, cả một trời câm nín, vượt ra ngoài những quy luật của thơ ca chỉ trong một Nghĩa Trang Đồng Nhi nhỏ bé, cũng đủ cho chúng ta thấy một tội ác cần phải được loại trừ ra khỏi xã hội hôm nay: Tội ác nạo phá thai.
Những vần thơ đắng lòng cho tất cả những ai có dịp viếng thăm những ngôi mộ đồng nhi bé bỏng. Còn rất nhiều những bài thơ trên các phần mộ này, mỗi bài là cả một tâm sự khát khao, mỗi bài là một thân phận khác nhau nhưng lại có chung một nỗi đau bị khước từ quyền sống, Tôi cũng không thể đếm hết, đọc hết những bài thơ ấy chẳng phải vì thời gian hạn hẹp mà vì lòng đã quá xót xa, mắt đã mờ đi vì cảm xúc cứ mỗi giây mỗi phút chực tuôn trào.
Tôi rời khỏi nghĩa trang, nắng đã lên cao rọi những sắc màu lung linh trên những cánh hoa nhỏ bé, khói hương cũng dần tàn, nhường chỗ cho một ngày mới trên cao nguyên, trong khi đó, chiếc máy ủi vẫn đang hối hả tiếp tục san bằng một khu lớn khác để chuẩn bị cho những phân khu kế tiếp đón nhận các thai nhi. Ra đến cổng, anh tài xế, một người ngoại đạo nói nhỏ bên tôi: “Xã hội ngày nay thật là tội lỗi !”
Cũng xin đúc kết bài viết này bằng vài vần thơ nho nhỏ như một nén nhang lòng cháy mãi cùng các thai nhi.
Tôi viếng thăm em một ngày nắng đẹp
Nhưng trong lòng đọng mãi một niềm đau
Niềm đau ấy cứ lớn lên như dấu hỏi
Thao thức hoài em phải chết vì ai ?
Vì mẹ vì cha không còn dũng cảm
Đón nhận em vào đời mê mải công danh
Vì lương tâm những con người chai đá
Kiếm đồng tiền trên sinh mạng trẻ thơ.
Chết vì tôi và những người khác nữa
Giữa dòng đời hèn nhát chẳng đấu tranh
Tiếng lương tâm chưa một lần thức tỉnh
Ai oán một đời vẫn mãi ngủ yên.
Muốn nói với em cả ngàn lời xin lỗi
Muốn nói với em cả vạn lời thứ tha
Muốn nói với em cả một trời tha thiết
Và nói với mình sẽ mãi không quên...
Những lời thơ trách móc giận hờn nghe thật trẻ con, chẳng phải để đòi hỏi một món đồ chơi trong tiết Trung Thu vĩnh cửu này, nhưng cũng chứa đựng cả là một ước vọng tủi nhục lớn lao, chứa đựng bao tâm tư nhọc nhằn của thân phận mình. Chỉ một nén nhang thôi nhưng cũng không thỏa được tâm nguyện. Có buồn tủi nào hơn cho em ?
Đaminh PHAN VĂN DŨNG
Buôn Ma Thuột 10.9.2010
"Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết quý trọng từng giây phút chúng con còn hơi thở. Xin giúp chúng con quí trọng sự sống Chúa ban tặng những người chung quanh con, từ những mầm non đang hình thành trong dạ mẹ đến những cụ già của một đời đầy những biến cố."

Saturday, September 18, 2010

XIN CHO CON BIẾT LẮNG NGHE LỜI CHÚA

"Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả". (Lc 8, 15)
Suy niệm: Trong một xã hội vị thế đồng tiền đang được thượng tôn, nhiều người đã “hy sinh đời bố, củng cố đời con,” hay dám giết người để chiếm đoạt tài sản, thì việc giáo sư Ngô Bảo Châu từ chối nhận món quà là ngôi biệt thự ở Tuần Châu và việc chị Đỗ Thị Thanh Nga, Thái Bình từ chối món tiền trợ giúp cho con chị đang nguy tử và đề nghị giúp cho những trẻ em đang cần đến, là những sự kiện và những con người đáng ca ngợi.
Tuy những món quà ấy thật lớn đối với họ trong hoàn cảnh hiện tại, nhưng lòng tự trọng và tình yêu tha nhân lớn hơn. Giáo hội nhận ra những điều thiện hảo ấy trong lòng con người là “hạt giống Lời Chúa.” Lời Chúa đã được gieo vào mảnh đất tốt là tấm lòng cao thượng và quảng đại của họ.
Quả thật, những “hạt giống” ấy đang trổ hạt gấp trăm không chỉ nơi họ, mà còn nơi những người hôm nay nhạy bén nhận ra những giá trị đáng trân trọng trong cách sống và tấm lòng cao quý của họ. Những “hạt giống Lời Chúa” được gieo vào Ki-tô hữu khi nghe Lời Chúa đang chờ mong nẩy mầm và trổ hạt như thế.
Mời Bạn: Sau khi đọc và nghe Lời Chúa, bạn có đang làm cho Lời Chúa được đâm rễ sâu và sinh hoa trái trong lòng bạn đấy không?
Chia sẻ: Thế nào là mảnh đất tốt cho Lời Chúa gieo vào?
Sống Lời Chúa: Đọc một đoạn Tin Mừng và thinh lặng suy ngắm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cảm nếm sự ngọt ngào của Lời Chúa và hằng ngày trải rộng lòng hơn cho Lời Chúa.

"Lạy Chúa, được nghe tiếng Ngài, ôi hạnh phúc lắm thay!"

Friday, September 17, 2010

CHÚA GIÊSU YÊU TRẺ THƠ

"Cứ để các trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng." (Mt 19, 14)

10 tuổi giành giải nhì America's Got Talent
TTO - Chung kết cuộc thi America's Got Talent vừa diễn ra đêm 15-9 với chiến thắng thuộc về chàng trai 30 tuổi Michael Grimm. Song, tâm điểm của đêm trao giải lại chính là giọng ca 10 tuổi Jackie Evancho với giải Á quân chung cuộc.

Được mệnh danh là Susan Boyle “nhí”, cô bé 10 tuổi Jackie Evancho đã trở thành hiện tượng sau ba vòng thi của America's Got Talent 2010. Với khả năng hát opera điêu luyện, Jackie Evancho lần lượt chinh phục giám khảo và khán giả với bản O Mio Babbino Caro ở vòng loại, bản Time To Say Goodbye tại vòng bán kết và bản Pie Jesu sâu lắng tại buổi thi tuyển top 10 đêm 7-9 để trở thành một trong 4 thí sinh xuất sắc nhất vào vòng chung kết.
Cùng lọt vào danh sách 4 thí sinh xuất sắc của cuộc thi là nam ca sĩ tới từ Mississippi- Michael Grimm, thí sinh chủ nhà Prince Poppycock và nhóm biểu diễn nghệ thuật đương đại Fighting Gravity.
Trước khi diễn ra đêm chung kết, Jackie Evancho được đánh giá là người có khả năng lớn nhất cho ngôi vị quán quân America's Got Talent năm nay. Vị giám khảo Piers Morgan từng khen ngợi cho cô bé hết lời: “Cháu biết không, ta đã làm giám khảo chương trình America's Got Talent hơn 5 năm qua. Đa số các màn biểu diễn thường kinh khủng, một số tương đối ổn, và số ít là ngôi sao. Nhưng với cháu, chúng ta có niềm tin rằng, cháu thực sự là một siêu sao”.
Trong đêm chung kết, Jackie Evancho trình diễn bài thánh ca kinh điển Ave Maria và nhận được rất nhiều lời khen từ ban giám khảo. Chính vì vậy, kết quả American's Got Talent 2010 khiến nhiều người khá bất ngờ khi ngôi vị quán quân lại được trao cho chàng ca sĩ Michael Grimm đến từ Mississipi với phần thưởng 1 triệu USD và một buổi biểu diễn riêng tại Las Vegas (Mỹ). Dẫu vậy, báo chí và khán giả vẫn dành những lời lẽ tốt đẹp nhất cho Jackie Evancho và màn trình diễn của em tại đêm chung kết lần này.
Trong đêm 15-9, Jackie đã có dịp song ca cùng thần tượng của em - nữ ca sĩ Sarah Brightman bài Time To Say Goodbye. Phát biểu về giọng ca 10 tuổi này, Sarah Brightman cho biết: “Jackie là một cô bé xinh đẹp, rất có tài năng và sở hữu một chất giọng đáng kinh ngạc. Tôi tin cô bé sẽ tỏa sáng trong tương lai không xa”.
Mặc dù có chút thất vọng vì chỉ giành ngôi á quân nhưng Jackie Evancho tâm sự: “Những trải niệm tại America's Got Talent với cháu dã là những kỷ niệm rất đáng quý. Cháu sẽ lưu giữ từng khoảnh khắc này tại cuộc thi và hy vọng sẽ có dịp được biểu diễn trước mọi người lần nữa”.
THIÊN HƯƠNG (Theo Celebrity và Onlykent)


"Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn đến với Chúa với tâm tình của một trẻ thơ."

Thursday, September 16, 2010

THIÊN CHÚA LUÔN Ở VỚI CHÚNG TA

"Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
 biết cả khi con đứng con ngồi."
(Tv 139)

Lạy Thiên Chúa của sự khôn ngoan và toàn năng, mỗi lần nghĩ tới Ngài, con cảm thấy Ngài đang nhìn con.
Con thấy hơi sợ hãi vì biết có Đấng có thể thấu hiểu mình từ trong ra ngoài và từng giây từng phút.
Nhưng con cảm nghiệm Ngài nhìn con với ánh mắt trìu mến.
Và trong tim con, con biết Ngài nhìn thấy con và Ngài vui sướng.
Con thật kinh ngạc và lòng đầy cảm mến.
Amen.

(LTNN - Lm. Joseph Tetlow, S.J)