Friday, April 29, 2011

Nhận ra từ những điều bình dị nhất

Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simôn Phêrô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không." Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó! ", ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.
(Ga 21, 1-7)
Các tông đồ theo Chúa, ở cùng Chúa, nghe Chúa giảng dạy, chứng kiến nhiều phép lạ Chúa thực hiện,... mà sao Chúa hiện ra, đứng trước mắt mà các ông không nhận ra? Chỉ một người duy nhất nhận ra, đó chính là "người môn đệ được Đức Giêsu thương mến", cũng chính là tác giả của trang Tin Mừng này. Vì sao thánh Gioan lại có thể nhận ra Đức Giêsu? Có lẽ do tình yêu của thánh Gioan đối với Đức Giêsu, tôi nghĩ vậy. Ông là tác giả viết lại sự việc nhưng ông không viết "Gioan nói với Phêrô" mà lại viết "người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với Phêrô". Ông muốn khẳng định minh nhiên tình yêu của ông dành cho Đức Giêsu và nhờ tình yêu đó mà ông có thể nhận ra được Người trước hết. Điều này không có nghĩa là các thánh tông đồ khác không có tình yêu đối với Đức Giêsu, nhưng với thánh Gioan, tình yêu đó dựa trên niềm tin và sự nối kết. Vì yêu mến Đức Giêsu nên thánh Gioan đã ghi nhớ tất cả những lời Đức Giêsu nói trước khi chịu khổ hình, ông cũng nối kết tất cả các sự việc xảy ra với Kinh Thánh Cựu Ước về Đấng sẽ chết và phục sinh. Ông tin tất cả, tình yêu không thể thiếu niềm tin. Vì yêu mà thánh Gioan đã có thể nhận ra những nét riêng của Đức Kitô trong một góc nhìn bình thường nhất, một hành động đơn giản nhất: "Này các chú, không có gì ăn ư?", "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Những câu nói bình dị nhưng thật sự thân quen với thánh Gioan. Nếu không có lòng mến sâu xa, liệu thánh Gioan có nhận ra Đức Giêsu qua những câu đối thoại bình thường như thế? 
Tôi có yêu mến Chúa đủ để nhận ra Chúa Phục Sinh qua những con người xung quanh, qua những điều bình dị nhất của cuộc sống?

Chúa ơi, tự bản thân con sẽ không thể nhận ra Chúa Phục Sinh
nếu con không nhờ ánh sáng Tin Mừng soi dẫn.

Bluefish

Saturday, April 23, 2011

Chúa Phục Sinh

Bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." Đức Giêsu gọi bà: "Maria!" Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: "Rápbuni!" (nghĩa là "Lạy Thầy"). Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em". Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20, 11-18)
Chúa đã Phục Sinh theo lời Người đã báo trước cho các môn đệ.
Thiết tưởng rằng ngay sau khi sống lại, Chúa sẽ hiện ra với Phêrô, người được Chúa đặt làm vị trí đầu trong nhóm 12 tồng đồ và dẫn dắt Hội thánh của Người, để củng cố niềm tin và lòng can đảm cho ông. Không. Chúa đã không hiện ra với Phêrô.
Vậy Chúa sẽ chọn người tông đồ Chúa yêu quý nhất là Gioan ngay sau khi Chúa sống lại. Cũng không, Chúa cũng không hiện ra với Gioan trước hết.
Hay để tỏ uy quyền với những kẻ đã hại Người, đã tra tấn, đánh đòn, sỉ nhục Người để cho chúng phải khiếp sợ. Không. Chúa cũng không hiện ra để nhát đảm họ.
Thật ngạc nhiên! Chúa đã hiện ra trước hết với một người phụ nữ, Maria Macđala, một người tội lỗi bị xem là tầm thường nhất, hèn hạ nhất trong xã hội đương thời. Maria biết thân phận mình thật tầm thường. Bà đứng bên mộ mà không dám vào trong. Bà chỉ dám đứng ngoài mà khóc thương Thầy mình và bà chỉ biết thể hiện lòng yêu mến của mình như vậy. Một người phụ nữ tầm thường, nhỏ bé và tội lỗi nhưng Chúa đã chọn gặp bà đầu tiên để cho biết tin vui Chúa Phục Sinh và sai bà đi báo tin cho các tông đồ. 
Những việc Chúa làm thật lạ lùng! Điều này cho tôi nhận ra rằng: Loan báo tin mừng Phục Sinh của Chúa không hệ tại ở địa vị cao trong Giáo hội hay xã hội. Để có thể gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, tôi cần mặc lấy tâm tình khiêm hạ nhất vì chỉ khi đó, tâm hồn tôi mới có khoảng trống cần được Chúa lấp đầy và vinh quang Phục Sinh của Người mới được thể hiện...
Niềm vui mừng Chúa Phục Sinh cũng chính là nền tảng, là căn nguyên cho đức tin của tôi, của những người Kitô hữu.
Lạy Chúa, con tin
CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI KHẢI HOÀN
HALLELUIA! HALLELUIA! HALLELUIA!
Bluefish

Friday, April 22, 2011

Đường Thập Giá

Một lần đi Vũng Tàu, tôi quyết tâm leo đến tượng Chúa Giêsu trên núi Tao Phùng. Những bậc thang đầu còn nhanh nhẹn, nhưng không lâu sau đó là những bước chậm chạp, nặng nề dần... Đường lên tượng Chúa là những bậc thang an toàn, tôi có mũ che nắng, có chai nước uống dọc đường và có thể ngồi nghỉ bất cứ khi nào cho đến lúc lên đến chân Chúa. Với điều kiện thuận lợi như thế mà tôi còn thở hắt ra vì mệt, chân tay rã rời, đau mỏi...
Hôm nay, nhớ lại những hình ảnh trong phim Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, tôi thấy rùng mình vì những hình ảnh quá đau thương: những lời chế nhạo, những lời phỉ báng, những trận roi đòn, thân mình Chúa đẫm máu, gương mặt biến dạng vì những vết thương,... Chúa một mình chịu đựng tất cả. Người đơn độc giữa những tên lính hung hãn, giữa dòng người đang lạnh lùng trước bạo lực. Có những ánh mắt dõi theo từng bước xót thương Người, nhưng khoảng cách xa quá,... Tất cả hiện lại trong tâm trí tôi. Đường Thập Giá Chúa đi gian nan, tàn khốc quá. Chúa trả giá cho tình yêu của Người đắt đến vậy sao?
Tôi muốn cảm nghiệp sâu xa hơn những gì được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay, vậy nên tôi đã mở phim Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu để xem lại. Thế nhưng, tôi chỉ xem được một đoạn ngắn và không thể xem tiếp. Tôi thấy sợ trước những cảnh bạo lực đó. Tôi hoảng sợ và không đủ can đảm xem tiếp khi nhìn thấy ánh mắt, gương mặt đã bị biến dạng của Chúa. Ánh mắt Người vẫn nhân từ nhưng tôi không đủ can đảm đối diện. Dẫu đây chỉ là những thước phim thôi nhưng tôi lại cảm thấy ngạt thở khi xem. Tôi sợ những hình ảnh bạo lực hay tôi sợ phải đối diện với những lầm lỗi của tôi? Có lẽ là cả hai. Mỗi lầm lỗi của tôi sẽ thêm một lằn roi trên thân thể Chúa, Thánh Giá Chúa vác nặng thêm, đường đến đình đồi Golgotha lại thêm sỏi đá...

Chúa ơi, con xin lỗi Người.

Bluefish

Thursday, April 21, 2011

Chuyện tình Giêsu

Chuyện tình Romeo và Juliet kết thúc bằng cái chết của cả hai người. Đẹp. Lãng mạn. Chung thủy. Và chỉ dừng ở đó vì nó là tiểu thuyết.
Mối tình giữa Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra và vị tướng La Mã Mark Antony cũng là một trong những câu chuyện tình yêu đáng nhớ nhất, gây xúc động và say đắm lòng người nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, tình yêu của họ đã khiến người La Mã - đế quốc thời đó đang dè chừng uy quyền ngày càng tăng của Ai Cập - trở nên phẫn nộ. Người ta nói rằng, trong khi đang tham gia một trận chiến chống lại người La Mã, Antony đã nhận được thông tin giả mạo về cái chết của người yêu. Hoàn toàn sụp đổ, Antony đã quỵ ngã trên thanh kiếm của mình. Khi Cleopatra biết về cái chết của Antony, bà bị sốc. Và Cleopatra đã tự sát. Tình yêu vĩ đại đòi hỏi những hy sinh lớn lao*. Nhưng chuyện tình của họ cũng chỉ dừng lại thời điểm đó.
...
Còn nhiều nhiều lắm những thiên tình sử nổi tiếng trên thế giới. Những chuyện tình đẹp có sự hy sinh, có tính lãng mạn, có cái chết để minh chứng cho tình yêu. Nhưng có chuyện tình nào đẹp như chuyện tình Giêsu? Tôi nghĩ là không. Vậy sự khác biệt là gì?
Chuyện tình Giêsu có sự hy sinh. Vâng, điều này không ai có thể phủ nhận. "Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự".  (Pl 2, 6-8).
Chuyện tình Giêsu có cái chết để minh chứng cho tình yêu. Ngài không chỉ chết vì người yêu Ngài nhưng Ngài cũng đón nhận khổ hình thập giá của chính những người Ngài yêu.
Chuyện tình Giêsu cũng rất lãng mạn. Có thật như thế không? Vâng. Rất thật. Thật đến mức con người có thể cảm nhận hằng ngày trong suốt hơn 2000 năm qua, qua Bí tích Thánh Thể - Bí tích Tình Yêu. Khi yêu, những người yêu nhau thường muốn ở bên nhau để cùng làm việc, cùng nói chuyện, cùng cảm nhận thế giới xung quanh,... Đức Giêsu không muốn rời bỏ con người nên Ngài đã lập nên Bí tích Thánh Thể để có thể ở cùng, ở trong, cho những người Ngài yêu trở nên một với Ngài.
Tôi và bạn đã cảm nhận được những gì mỗi khi rước Mình Thánh Chúa?

Chúa ơi, chiều nay, khi rước Chúa vào lòng,
con cảm nhận vị ngọt dịu, cảm giác nhẹ nhàng rất khó tả...
Xin cảm tạ tình Chúa cho con, cho mọi người.

Bluefish



Monday, April 18, 2011

Rửa chân

Rửa chân, tôi xem phim thấy công việc này chỉ dành cho những người tôi tớ, người hầu việc,... họ rửa chân cho chủ nhân của mình. Rửa chân với lòng tôn kính và yêu mến ư? Tôi không chắc lắm, nhưng chắc chắn là họ làm vì bổn phận của mình, vì cuộc sống, vì miếng ăn...
Nếu tôi nhớ không sai thì trong Tin Mừng hình ảnh rửa chân chỉ được đề cập đến hai lần: bài đọc hôm nay, Maria rửa chân Thầy Giêsu để tỏ lòng tôn kính, mến yêu và trong bữa Tiệc Ly Thầy Giêsu rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học về sự yêu thương và khiêm nhường. Hai hình ảnh mới đẹp làm sao!
Hình ảnh Maria dùng dầu thơm quý giá nhất mà cô có để rửa chân cho Thầy mình: Xem ra Maria làm công việc của một người tôi tớ, thế mà tôi lại chẳng thấy hình ảnh của một người tôi tớ ở cô. Tôi chỉ thấy hình ảnh của một con người nhỏ bé đang hướng lên Thiên Chúa với tất cả lòng tôn kính mến yêu. Maria đã thể hiện lòng mến bằng một hành động thật can đảm, rộng lượng và đầy lòng yêu mến.
Hình ảnh Thầy Giêsu cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ: "Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" Chuyện này không thể xảy ra được, nhưng đã xảy ra ở nơi Thầy Giêsu. Con Thiên Chúa đã cúi xuống tận cùng của phận người để dạy một bài học "HÃY YÊU THƯƠNG NHAU". Bài học này đã được Thầy làm gương một cách sống động, sâu sắc.
Vâng, tôi thấy hai hình ảnh thật đẹp, đẹp không phải vì hình ảnh bàn tay, bàn chân đẹp. Đẹp vì ẩn chứa bên trong nghĩa cử này là những tấm lòng, là tình yêu không giới hạn: Tình yêu Thiên Chúa cúi xuống, hướng về con người và ở đây, tình yêu của con người hướng lên để tìm gặp Thiên Chúa. Tình yêu đó sáng lên khi mỗi bên từ bỏ chính mình để hướng đến đối tượng mình đang "rửa chân".
Tôi có đủ can đảm từ bỏ cái tôi của mình để thực hành bài học "rửa chân" của Thầy Giêsu hay tôi có đủ lòng yêu mến Chúa như Maria không nhỉ?
Bluefish

Thursday, April 14, 2011

Lối thoát

Những ngày cuối trong mùa Chay, đặc biệt trong tuần thánh, mọi người sẽ thường xuyên nghe nói đến hai vị tông đồ trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, đó là Phêrô và Giuđa. Cả hai vị đều mắc lầm lỗi với Chúa, nhưng một vị được cảm thông và một vị bị lên án. Tại sao lại vậy?
Chiều qua, trong bài giảng tĩnh tâm, cha chủ tế cũng đề cập đến sự phản bội của Giuđa, lên án nụ hôn bán Thầy của ông, vì ông mà Chúa phải chịu khổ hình... nhưng Chúa chịu khổ hình là do tội của toàn nhân loại kia mà, sao lại chỉ có mình Giuđa bị lên án gay gắt như thế? Tôi nghe mà thấy thương cho vị tông đồ này. Có bất công quá không khi mỗi năm, đến thời điểm nay, Giuđa lại bị không biết bao nhiêu con người lên án trong suốt 20 thế kỉ qua. Không biết có đúng không nếu tôi nghĩ rằng, ông chịu tội này thay cho toàn nhân loại (?). Kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa đối với tội lỗi con người liệu có hoàn tất nếu không có Giuđa phản bội? Tội của một mình ông chăng? 
Các tông đồ bỏ mọi sự đi theo Thầy, chứng kiến biết bao phép lạ Thầy thực hiện, nghe biết bao lời giảng dạy về quyền năng Thiên Chúa và Nước Trời. Giuđa cũng chứng kiến mọi sự và ông tin vào quyền năng của Thầy mình, tôi nghĩ vậy. Thế nên, có lẽ nào ông đã nghĩ rằng Thầy có bị bắt đi chăng nữa, Thầy cũng có thể thoát được vì Thầy đã làm rất nhiều phép lạ, ông lại có thêm ít tiền để trang trải cho mọi người. Tôi đoán ông chỉ nghĩ đơn giản thế thôi. Có phải đây là một sự biện minh cho ông?
Nhưng mọi việc lại không như ông nghĩ. Ông đã mắc một sai lầm lớn: Thầy Giêsu đã phải chịu xỉ nhục, đòn roi và khổ hình thập giá. Tôi nghĩ ông đã phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: lúc đầu là thất vọng vì Thầy đã không dùng quyền năng để tự giải cứu mình, sau đó sẽ là bế tắc vì Thầy không tự cứu mình thì làm sao ông có thể cứu Thầy, rồi ông cảm thấy hối hận, ông hối hận vì sự cạn nghĩ của mình mà Thầy phải đau khổ và phải chết. Ân hận lắm nhưng ông không biết làm gì...
Như Giuđa, Phêrô cũng theo Thầy, chứng kiến mọi việc Thầy làm và tuyên bố sẽ không bỏ Thầy, nhưng ông vẫn mắc lầm lỗi khi chối Thầy. Cả hai vị tông đồ đều mắc lỗi với Thầy mình, nhưng tông đồ Phêrô đã tìm thấy lối thoát cho mình bằng cách can đảm quay trở lại và đối diện với những gian nan thử thách để trung thành theo Thầy đến cùng. Tông đồ Giuđa lại không thể tìm cho mình lối thoát như thế. Ông tìm đến cái chết để chốn chạy. Những giây phút cuối đời của ông, tôi tin là có những giọt nước mắt thống hối và Thiên Chúa đã tha hết mọi lỗi lầm cho ông.
Qua hình ảnh của hai vị tông đồ Phêrô và Giuđa, tôi cũng tìm thấy hình ảnh tôi phản chiếu trong đó nên tôi chẳng có quyền gì để lên án các vị hay lên án mọi người xung quanh tôi.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con không lên án lẫn nhau
nhưng giúp đỡ nhau tìm lối thoát khỏi tội lỗi, khỏi khổ đau và sự chết
để chúng con tìm gặp ánh mắt nhân từ của Người.
Bluefish

Wednesday, April 13, 2011

Deus Caritas est

Tối thứ Hai vừa qua, chúng tôi được cha giáo giúp tìm hiểu sâu hơn về chữ Agapê. Cha bắt đầu từ 1Ga 4, 16: Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu) - một tình yêu vô vị lợi.
Caritas phát xuất từ άδαπαω (Agapaô) - Agapê: Tình Yêu.
Agapê: Tình yêu vô vị lợi, tình yêu nhưng không, tình yêu chân chính. Tình yêu này có sự can thiệp của lí trí và đòi hỏi phải trung tín đến cùng.
Thiên Chúa Agapaô con người. Chúa Giêsu Agapaô Chúa Cha, Ngài đã vâng phục một cách trọn vẹn thánh ý của Cha. Chúa Giêsu Agapaô con người, Ngài đã tự hiến cả con người của Ngài cho con người được sống. Dù con người luôn lạc lối, nhưng "Ta vẫn yêu con bằng mối tình muôn thuở".
Để cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, tôi thường nhìn lên Thập giá hay nhìn vào chính cuộc đời mình - quá khứ cũng như hiện tại... Nhưng chiều qua thật đặc biệt đối với tôi. Tôi được ngắm nhìn hình ảnh của Chúa Giêsu ngay trước mắt mình: Một người con trai phục vụ mẹ già. Bà cụ chắc đã lớn tuổi lắm. Cụ trông mệt mỏi ngồi trên chiếc xe lăn để dâng lễ. Thánh lễ ngày tĩnh tâm mùa Chay kéo dài hơn thường lệ. Cụ mệt ngả đầu qua một bên nhưng người con trai đã đỡ đầu cụ lại, dùng chính cánh tay của mình để làm gối cho mẹ. Suốt gần một giờ đồng hồ như thế, có lẽ cánh tay chú đã tê cứng, mỏi nhừ. Tôi thấy chú vẫn nhẹ nhàng đưa bàn tay còn lại nắm lấy tay mẹ mỗi khi cụ giơ tay lên tỏ ý muốn nói gì. Tôi cảm nhận được sự bình yên của cụ trong vòng tay săn sóc yêu thương của người con trai. Chú Agapaô mẹ mình, tôi tin vậy và cũng tin rằng trong suốt phần đời còn lại của bà cụ, cánh tay chú sẽ luôn là chiếc gối êm và an toàn cho cụ.

Trong xã hội hôm nay, sự ích kỉ của con người vẫn luôn bị lên án, nhưng tôi cũng thấy vẫn luôn còn đó những tình yêu vô vị lợi như của người con trai này đối với mẹ của mình. Bạn hãy nhìn xung quanh và bạn sẽ nhận ra, bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh của Chúa Giêsu ngay bên bạn, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.  

Bluefish

Friday, April 1, 2011

Thật - Giả

"Em có nhà không? Anh đang đứng trước cửa". Tôi nhận được tin nhắn, thắc mắc một chút nhưng vẫn chạy xuống nhà mở cửa. Không có ai. Tôi định nhắn lại hỏi thì chợt thấy mình thành con cá to tướng. Hôm nay ngày Cá tháng Tư. Trời ạ. Chứ làm gì có chuyện bạn tôi biết địa chỉ mới của tôi mà đến.
Một bạn sinh viên mặc áo dài thướt tha đi dọc hành lang, mắt nhìn mọi người ngạc nhiên và hỏi "Ủa, sao mấy bạn không mặc áo dài?" Mọi người nhìn cô bé và bắt đầu cười "Haha... có một con cá to nè tụi bay ơi". Không biết bạn nào chơi ác gửi tin nhắn báo hôm nay phải mặc áo dài đi học (nội quy phải mặc áo dài đi học không chính thức ở một số khoa sư phạm).
Còn rất nhiều câu chuyện hài hước trong ngày Cá tháng Tư này. Có những kiểu đùa vô hại, chỉ làm nạn nhân khó xử chút xíu thôi, nhưng cũng có những kiểu đùa tai hại mà người đùa giỡn không lường trước hết những hậu quả. Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư không ai rõ, chỉ biết rằng theo nhiều người ngày hôm nay cho phép mọi người nói dối cho vui và mọi trò đùa đều được xí xóa... 
Thật và giả trong cuộc sống đôi khi thật khó phân biệt: thực phẩm, hàng hóa, bằng cấp, tiền bạc,... Ngay cả các mối quan hệ giữa con người với con người đôi khi cũng không biết phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Họ nói đó, cười đó, nhưng khi quay lưng lại nét mặt họ thay đổi. Có quá bi quan lắm không khi chỉ nhìn cuộc sống và con người ở góc độ này? Nhưng nếu cứ phớ lờ nó thì liệu tôi cũng sẽ mắc kẹt giữa sự thật và sự giả dối? Tôi có hoảng sợ khi phải đối diện với sự thật hay tôi mặc nhiên chấp nhận sự giả dối?
Mỗi người Kitô hữu luôn mang trong mình Thần Khí sự thật của Đấng Phục Sinh. Ngài ở trong tôi, luôn soi sáng, thôi thúc và chờ đợi tôi đối diện với sự thật. Ngài khuấy động tâm hồn tôi cho đến khi tôi can đảm nhìn nhận sự thật, nhưng không phải để lên án tôi, trái lại, Ngài giúp tôi phục hồi nhân phẩm và chữa lành cho tôi.
Tinh thần mùa Chay có đang giúp tôi thực lòng thống hối, giúp tôi thực lòng đối diện với sự thật bên trong con người của tôi?
Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con biết sống trong sự thật và làm chứng cho sự thật.

Bluefish