Friday, March 25, 2011

Xin Vâng

"Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." (Lc 1, 38)
Hôm nay, ngày lễ Truyền Tin, bài Tin Mừng giúp tôi chiêm ngắm về tiếng "Xin Vâng" của Mẹ Maria.
Xin Vâng - Mẹ thưa trong sự khiêm tốn. Mẹ nhận mình trong thân phận của người nữ tỳ nhỏ bé xin vâng lời Đấng Tối Cao.
Xin Vâng - Mẹ thưa với lòng cam đảm. Việc mang thai bất ngờ này sẽ được bà con hàng xóm của Mẹ đón nhận ở góc độ nào? Liệu Mẹ đã nghĩ đến điều này khi thưa tiếng "Xin Vâng"?
Xin Vâng - Mẹ thưa trong sự tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Mẹ đã chẳng có một chút nghi ngờ về những việc Thiên Chúa hứa và những việc Chúa làm.
Xin Vâng - Mẹ thưa với tất cả tình yêu. Yêu là biết cho đi mà không tính toán. Mẹ dâng trọn con người, tương lai của chính Mẹ cho Thiên Chúa và nhân loại mà không có chút do dự.
Xin Vâng - Mẹ thưa tiếng "Xin Vâng" để đón nhận ân sủng, chính Con Thiên Chúa cư ngụ trong cung lòng Mẹ, để từ đó, Mẹ đem ân sủng của Chúa đến với mọi người.
...
Mỗi người Kitô hữu cũng có những lần thưa "Xin Vâng". Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, hoặc cha mẹ đại diện hoặc chính mình thưa "Xin Vâng" khi tuyên xưng niềm tin nơi Thiên Chúa và Giáo hội của Người. Nhờ đó, ta trở thành người Kitô hữu, có Chúa Kitô hiện diện trong ta. Mỗi lần lãnh nhận Mình Thánh Chúa, người Kitô thưa "Amen", tức thưa tiếng "Xin Vâng", để thêm một lần, ta đón nhận chính Mình Máu Đức Kitô vào trong thân xác mình.
Tôi đã sống tiếng "Xin Vâng" như thế nào trong vai trò và sứ mệnh của một người Kitô hữu?

Mẹ ơi, xin giúp con học theo gương Mẹ mỗi khi con đáp tiếng "Xin Vâng".


Bluefish

Saturday, March 19, 2011

Đối thoại

Hôm nay mừng lễ thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Maria, tôi đọc được bài suy niệm của Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt: "THÁNH GIUSE, NGƯỜI ĐI TRONG ĐÊM TỐI". Xuyên suốt bài suy niệm nói về sự thinh lặng của thánh Giuse. Thánh Giuse không có một lời thoại nào, ngài thinh lặng, thinh lặng đón nhận thánh ý, thinh lặng trong yêu thương, thinh lặng trong tín thác. Thánh Giuse đã đi trong đêm tối hiểm nguy, đêm tối mầu nhiệm về Con Thiên Chúa, đêm tối im lặng của Đức Maria... "Đi đêm tối của đức tin, ngài có ngọn lửa mến soi đường. Đêm đen lắm nhưng ngài vẫn cứ yêu mến Chúa, cứ gắn bó với Chúa và cứ bước đi với Chúa".
Không thể tìm được một lời thoại nào của thánh Giuse, nhưng tôi lại cảm nhận ngài là một con người của đối thoại. Có ngớ ngẩn quá không? Tôi không biết, nhưng suy nghĩ này đến với tôi. Đối thoại là sự trao đổi thông tin, quan điểm... giữa hai hay nhiều người bằng lời nói, cử điệu, hành động... Thánh Giuse đã đối thoại bằng những hành động của ngài. Ngài đối thoại với Thiên Chúa bằng việc thực thi những lệnh truyền. Đối thoại với Đức Maria và Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày tại Narazet bằng những lời yêu thương, tôi tin là vậy vì ngài được xem là người công chính. Ngày hôm nay, thánh Giuse cũng đang đối thoại với mỗi người chúng ta bằng những mẫu gương của ngài và ngài vẫn luôn đối thoại với Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta.
Trong buổi họp định kì của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP Tp.HCM hôm thứ Năm vừa qua, nghe bài chia sẻ về chuyến đi tham dự Đại hội Bề Trên Thượng Cấp Đông Nam Á: "Căn tính người tu sĩ cho cuộc đối thoại hiệu quả tại Á Châu đa văn hóa và đa tôn giáo", trong tôi lại nghĩ đến sứ vụ loan báo Tin Mừng thuộc về bản chất của Hội Thánh, của mỗi người Kitô hữu, không chỉ riêng gì tu sĩ hay các nhà truyền giáo trong việc đem Tin Mừng đến với các anh em tôn giáo bạn. Loan báo Tin Mừng, đối thoại bằng lời nói, liệu tôi có bao nhiêu cơ hội cho việc này? Nhưng đối thoại qua những hành xử hằng ngày, tôi có thể sẽ làm Tin Mừng của Thiên Chúa sống động hơn, như những hành động thánh Giuse đã nêu gương trong xóm nhỏ khó nghèo năm xưa.
Một mẫu gương khác về đối thoại cho tôi noi theo, đó chính là Đức Giêsu. Ngài lên tiếng đối thoại khi rao giảng về Nước Thiên Chúa, khi chữa lành bệnh tật, khi an ủi những con người khổ đau và Người đối thoại trong thinh lặng khi dân chúng "ép" Người lên án người phụ nữ ngoại tình. Trên hết, Đức Giêsu luôn đối thoại với Thiên Chúa Cha bằng đời sống cầu nguyện.

Lạy Chúa, khi đối thoại, xin dạy con biết tín thác, cởi mở và yêu thương.


Bluefish


Thursday, March 17, 2011

Sắc màu

Giờ học chiều hôm qua, giảng viên dành cho chúng tôi 2 tiết để chia sẻ với nhau về những trải nghiệm trong đợt thực tập sư phạm vừa qua; những thuận lợi, khó khăn, những điều chúng tôi học tập được và cả những bức xúc. Lần lượt các bạn lên chia sẻ. Lúc đầu còn e dè, nhưng càng về sau, không khí chia sẻ càng sôi nổi. Có lẽ nhiều bạn khi nghe các bạn mình chia sẻ cũng bị chạm vào đâu đó trong tâm hồn các bạn những tình cảm chợt trở về. Đối với các bạn gặp nhiều thuận lợi hay sự giúp đỡ tận tình, chu đáo, gặp những học sinh ngoan, học giỏi thì nghề nhà giáo là một màu hồng đầy hứa hẹn cho tương lai. Mặc nhiên, đối với các bạn gặp nhiều khó khăn hơn, va chạm với thực tế và nhận ra những điểm yếu của mình làm các bạn mất tự tin... và các bạn phân vân về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình... trên bầu trời của các bạn, cơn giông đang kéo đến?
Tôi cảm nhận đây cũng chỉ là đặc điểm chung trong nhận thức của con người. Theo lẽ tự nhiên, con người luôn bị cuốn hút theo cái đẹp, những điều tâm đắc, những việc thuận lợi,... chúng thường được con người gắn với những màu sắc tươi sáng, và ngược lại. Con người làm thế nào để có thể giữ thăng bằng trong nhãn quang về cuộc sống của mình? Màu hồng, màu vàng, màu đỏ, màu xanh, màu tím, màu xám, màu đen... tôi đang nhìn thế giới xung quanh qua lăng kính của sắc màu nào?
Mùa chay, Mẹ Giáo hội khoác lên mình màu tím. Màu tím gợi sự u buồn? Nhiều người thường nghĩ vậy vì màu tím được dùng trong tang lễ. Thật ra, theo tôi học được, màu tím trong phụng vụ mùa Vọng, mùa Chay và trong tang lễ đều mang ý nghĩa của niềm vui và hy vọng. Màu tím được pha trộn bởi hai màu với lượng cân bằng nhau: màu đỏ và màu xanh lam. Màu đỏ tượng trưng cho đất và màu xanh lam tượng trưng cho trời. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người đã làm cho trời-đất được giao duyên. Từ đó, ơn cứu độ được thực hiện hướng con người về cuộc sống vĩnh hằng trong nước Thiên Chúa. Đây không phải là niềm vui và hy vọng dành cho con người đó sao? Theo hình ảnh của người quân tử Đông Phương, màu tím cũng thể hiện sự vâng phục, tự hạ, trở nên trống rỗng. Người quân tử trút bỏ những quyến luyến của bụi trần để vươn tới sự thanh cao qua việc rèn luyện bản thân, sửa chữa những khiếm khuyết... Đức Giêsu Kitô là người quân tử cho mọi thời đại noi theo: Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa". (Pl 2, 6-11)

Xin giúp con sống những giá trị thiêng liêng với màu Tím trong mùa Chay thánh này.


Bluefish

Sunday, March 13, 2011

Có một tình yêu

Chiều qua, tôi lại có dịp về thăm trung tâm Mai Hòa, tổ ấm của những con người bị đẩy qua bên lề của xã hội - vì tội của họ? tôi không chắc tất cả họ đều bị lên án do lỗi lầm gây ra, nhưng vì họ là những con người mang chứng bệnh của thời đại - AIDS.
Giữa trưa, trời Sàigòn đang giữa những tháng của mùa khô nên nắng nóng như đổ lửa. Bỏ qua cái nóng, bỏ qua sự mệt mỏi của giấc trưa, cha (Dòng Chúa Cứu Thế) và các sơ (Dòng thánh Phaolô) vẫn vui vẻ nói cười trên chiếc xe 16 chỗ hướng về Củ Chi. Có lẽ họ có chung một niềm vui: tình yêu - phục vụ.
Thánh lễ lúc 4 giờ chiều thứ Bảy tại căn chòi nhỏ đơn sơ với mái lá tròn nằm giữa khu vườn như một điểm hẹn mọi người gặp gỡ nhau trong tình yêu của Chúa Kitô. Mọi người cùng qui tụ lại để sốt sắng hiệp dâng thánh lễ: các bệnh nhân AIDS, các sơ dòng Nữ Tử Bác Ái đang phục vụ ở mái ấm này, một số thân nhân, có cả những người láng giềng của trung tâm. Nơi đây, mọi người như tìm được sự an ủi tròn đầy hơn qua Lời Chúa và Mình Máu Chúa. 
Lễ xong, tôi có được một chút thời gian quan sát và một vài cuộc trò chuyện. Khung cảnh vẫn như xưa. Khác chăng là một vài dãy nhà mới, những bệnh nhân mới và các sơ thay phiên phục vụ. Ảm đạm. Nhưng tôi vẫn cảm nhận một sức sống tươi trẻ. Đó là các em bé ngoan ngoãn, hồn nhiên, đẹp như những thiên thần, đa phần cha mẹ các em có lẽ đã qua đời. Các em còn quá nhỏ để chịu sự kì thị của xã hội. Tuổi thơ của các em giới hạn trong khuôn viên của trung tâm; nơi đây là nhà, nơi đây là gia đình, các sơ và các bệnh nhân là những người thân của các em. Các em biết mình đang mang bệnh gì, phải sống như thế nào và sẽ chết. Thế nhưng đối với trẻ thơ, vui chơi, cười đùa, líu lo thưa gửi, líu lo kể chuyện... là cuộc sống của hiện tại và tình yêu thương của các sơ là nguồn mạch...
Tôi nói chuyện với một thanh niên mới vào trung tâm cách đây khoảng 6 tháng, anh nói rằng trong này tình thương và sự chăm sóc của các sơ thì luôn tràn đầy, nhưng tuổi trẻ phải ở trong này thì có những lúc bức bối, khó chịu lắm; giống như mình bị cụt mất chân tay vậy. Tôi hỏi: "Ngày đầu anh nghe tin mình bị bệnh, anh thấy thế nào?" Anh trả lời: "Sốc lắm! Hoang mang, hoảng sợ, hối tiếc, tuyệt vọng, đau khổ,... tất cả những gì trước mắt là những mảng xám. Đời chẳng còn gì. Phải mất một thời gian để bình tâm lại". Tôi thấy anh thực sự hối tiếc khi lặp đi lặp lại "giá như..., giá như... cuộc đời có lẽ đã ở một ngã rẽ khác"... Giờ đây, anh chấp nhận cuộc đời mình trong những ngày tháng cuối làm những điều nho nhỏ có ích hơn, ít nhất là cho chính bản thân anh... Tôi không nghĩ anh đáng bị kì thị hay bị lên án nữa.
Lời Chúa trong ngày Chúa nhật thứ I mùa Chay thuật lại việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc. Vì yêu con người, Thiên Chúa sống trọn thân phận làm người cũng không tránh khỏi những cám dỗ của ma quỷ, lẽ nào tôi lại có thể tránh khỏi? Cầu nguyện. Như xưa Chúa Giêsu đã luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha thế nào, tôi cũng cần cầu nguyện luôn để tôi không phải nói rằng "giá như..., giá như... cuộc đời có lẽ đã ở một ngã rẽ khác"... Cũng có những lần vấp ngã, tôi đã được đỡ nâng dậy, nên tôi cũng cần đưa bàn tay ra để nâng đỡ tha nhân.

Chúa ơi, có những lần con mải ngắm sao.
Con vấp phải một hòn đá,
Và con đã ngã...
Nhưng tình yêu, sự đam mê của Chúa đã nâng con lên.
 Bluefish

Wednesday, March 9, 2011

Trở về với nội tâm

"Nhớ, ngày mai ăn chay đó nhen", "Hôm nay ăn chay mà", "Hôm nay ăn chay nên chị chỉ uống ly sữa cho bữa sáng thôi",... Tôi thường nghe những người Công giáo nói chuyện, bàn tán với nhau khi bắt đầu mùa Chay.
Ăn chay, ngó quanh tôi thấy các tôn giáo khác cũng có những ngày ăn chay: người Hồi giáo ăn chay cả tháng Ramadan, người Phật giáo ăn chay vào đầu tháng hay rằm âm lịch, có những người ăn chay trường... họ ăn chay lặng lẽ. Người Công giáo mình cũng ăn chay kiêng thịt 1 năm 2 lần, nhưng tôi có cảm giác ngày ăn chay của người Công giáo ồn ào quá. Chưa ăn chay mà mọi người đã biết hết rồi. Người Công giáo nhắc nhau để nhớ giữ chay, nhưng người không Công giáo cũng biết và họ kháo nhau: "Hôm nay mấy người đó ăn chay. Thử rủ họ đi nhậu xem"... Tôi thấy mình ồn ào thật đấy.

Lời Chúa dạy trong ngày ăn chay hôm nay: bố thí, cầu nguyện, ăn chay thật kín đáo. Điều Chúa dạy thật khó thực hiện! Làm việc bác ái, tôi thích được mọi người khen là người rộng rãi, phóng khoáng, có lòng yêu người. Khi cầu nguyện, tôi thích được khen là người thánh thiện, có lòng yêu Chúa. Khi ăn chay, tôi thích mọi người biết tôi đang hãm mình đền tội. Vì thế, Chúa đòi tôi thực hiện những việc này một cách kín đáo, chỉ mình Chúa biết thôi thì thật khó cho tôi. Nhưng được mọi người khen rồi thì sau đó sẽ là gì? Liệu tôi có luôn là người "tuyệt hảo" trước mặt mọi người? Xã hội ngày nay, con người bị cuốn theo lối cử xử với nhau bằng hình thức, không phát xuất từ cái tâm và những điều tôi thích chắc cũng nằm trong quỹ đạo này. Tôi đang bị lôi cuốn, bị cuốn đi đâu tôi cũng không biết... ra đại dương của sự hào nhoáng chóng qua. Nguy hiểm quá! Bước vào mùa Chay thánh, tôi cần phải "tỉnh" kịp thời và trở về, về với nội tâm của tôi, nơi đó, tôi có Chúa và Người sẽ chỉ cho tôi biết tôi cần làm gì và làm như thế nào.
Vâng, việc ăn chay sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không phát xuất từ nội tâm. Cử chỉ chịu tro hôm nay giúp tôi ý thức được thân phận mong manh của con người mình, để tôi nhận biết rằng: tôi cần trở về với Chúa, tôi không sống mãi trong cuộc đời này, một cuộc đời  sẽ chóng qua và những gì thuộc về nó cũng sẽ không tồn tại mãi.
Hãy xé lòng, đừng xé áo.

Bluefish

Tuesday, March 8, 2011

Mẹ và Con

Mấy tuần trước, lang thang trên mạng, tôi đọc được câu chuyện của một bạn sinh viên viết về mẹ mình. Tôi cũng không nhớ rõ hết các chi tiết, nhưng câu chuyện nói về tình mẹ của một người điên.
Câu chuyện bắt đầu từ một ngày có một cô gái điên xuất hiện trong làng. Không ai biết cô từ đâu đến, tên gì. Trong làng có anh chàng nghèo quá không lấy được vợ, bà mẹ đưa cô gái điên về làm vợ anh để sinh con. Một cậu bé kháu khỉnh ra đời nhưng người mẹ điên chỉ được nhìn chứ không một lần được chạm vào con. Bao lần người mẹ điên khóc ú ớ xin bế con nhưng đều bị bà nội cậu bé chửi rủa và đuổi đi. Nhà nghèo không đủ ăn, lại có được đứa cháu nội rồi nên nuôi người mẹ điên trong nhà chỉ tốn cơm và vướng víu, vì vậy bà nội đuổi mẹ điên đi, đi thật xa. Cậu bé lớn lên trong sự chăm sóc chiều chuộng của bà nội nhưng luôn bực tức với lũ trẻ trong xóm vì chúng nói mẹ cậu là con điên. Năm cậu 6 tuổi, người mẹ điên trở về làng tìm con. Bà nội hối hận vì đã đuổi mẹ điên đi, giờ đón về nuôi và sai việc vặt trong nhà. Người cha đã có công việc nhưng gia đình vẫn chật vật tìm miếng ăn hằng ngày. Người mẹ điên không giúp được việc gì nhiều nên hay bị đánh đập. Mỗi lần như thế, bà chỉ rên rỉ khóc vì đau. Cậu bé căm ghét người đàn bà điên và tức giận khi ai đó nói là mẹ cậu. Người mẹ điên không tỏ thái độ oán giận mà luôn sẵn sàng bảo vệ con trai, đánh đuổi những ai bắt nạt con. Người mẹ điên luôn nhìn con trai mình một cách âu yếm và sợ hãi khi con tức giận. Những năm tháng người con đi học trên huyện, nhà nghèo nên người mẹ điên hằng ngày đi bộ hơn 10km để đem cơm cho con trai. Có lẽ tình mẫu tử đã giúp người mẹ điên hoàn thành việc này một cách tốt đẹp trong suốt 3 năm trời. Một ngày nọ, bà đem cơm cho con cùng mấy trái táo dại. Cậu bé ăn táo và khen ngon làm người mẹ rất hạnh phúc. Người mẹ chia tay con để trở về nhà, nhưng ngày hôm sau cậu bé không thấy mẹ đưa cơm đến mà là bác hàng xóm lên hỏi mẹ điên đã về chưa mà sao không thấy về nhà. Cậu bé nói đã về trưa ngày hôm trước và lúc về mẹ rất vui. Như có điềm gở gì khi cậu bé nhớ rằng mình đã khen trái táo dại mẹ đưa. Cậu lao đi trên con đường mà mẹ điên vẫn đi và... thấy dưới vực sâu bên đường, xác một người phụ nữ đã chết từ bao giờ, trong tay vẫn đang cầm một trái táo dại. Cậu bé hét lên gọi "Mẹ!", tiếng mẹ đầu tiên nhưng đã quá muộn. Có lẽ người mẹ điên chết trong hạnh phúc khi đang hái những trái táo dại và nghĩ rằng con trai sẽ vui khi ăn chúng.

Chiều thứ Bảy vừa qua, tôi tham gia nhóm tình nguyện viên dẫn các em khiếm thị của trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu đi bơi. Khi mọi người đã về, chỉ còn lại một em khiếm thị phải chờ ông ngoại đến đón. Tôi ngồi lại nói chuyện với em cùng mấy cô giáo thiện nguyện khác. Một cô người Úc hỏi em: "How much lucky money did you get on Tết holidays?" Tôi dịch lại tiếng Việt em nghe, em không biết trả lời tiếng Anh nên bẽn lẽn ghé vào tai tôi nói nhỏ: "Con được 600 ngàn đồng". Tôi nói lại cho mọi người biết và hỏi em: "Con định làm gì với số tiền đó?" Gương mặt đầy phấn khởi, em trả lời: "Con đang góp tiền để mua TV cho mẹ con, TV phẳng LG, màn hình rộng đó nhé. TV của mẹ con hư rồi". "How lovely boy!", mọi người nghe đều ngạc nhiên và rất xúc động trước tấm lòng của em dành cho mẹ. Em chỉ có thể thấy mờ mờ nếu đưa vật nhỏ sát khóe mắt vậy nên xem TV là việc không thể đối với em. Em chỉ muốn mẹ có TV xem cho đỡ buồn và giải trí, nghỉ ngơi... và đó là mơ ước của em dành cho mẹ.

Ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi nghĩ về tình thương của những người mẹ và tấm lòng của những người con. Tôi cám ơn cuộc đời vì vẫn luôn còn đó những tình yêu mẫu - tử để mọi gánh nặng trong cuộc sống được nhẹ nhàng hơn. Xin gửi đến những người mẹ lời cám ơn chân thành của những đứa con: Cám ơn mẹ vì mẹ là mẹ của chúng con.

Hướng về Mẹ Maria,
xin Mẹ cũng luôn đồng hành với chúng con
và dẫn dắt chúng con đến với Con của Mẹ.
Mừng Mẹ ngày 8-3.

Bluefish

Friday, March 4, 2011

Ánh sáng cho hiện tại và tương lai

Tôi thực tập ở một trường Tiểu học được đánh giá là đạt chuẩn quốc gia. Tuần đầu mới về thực tập, tôi nghe thầy Hiệu trưởng giới thiệu về trường, tôi chỉ nghĩ đơn giản là do trường mới xây nên cơ sở vật chất mới và hiện đại. Qua thời gian sinh hoạt ở đây, chúng tôi mới bảo nhau rằng: "Đúng là trường đạt chuẩn quốc gia: từ cơ sở vật chất của trường; phương pháp dạy và thái độ làm của giáo viên, của công nhân viên; thời gian học tập, sinh hoạt câu lạc bộ của học sinh,... cho đến những giờ ăn, giờ nghỉ...". Không phải hoàn toàn 100% nhưng tôi vẫn nghĩ với những điều kiện sinh hoạt và học tập như vậy, các em học sinh học trong trường này thật may mắn. Tôi phần nào hiểu tại sao nhiều phụ huynh khốn khổ khi phải lo "chạy" để con cái được vào những trường điểm. Tôi nghe mọi người nói: đó là những gia đình "có điều kiện". Vâng, phần lớn là vậy. Sống giữa thành phố lớn, hiện đại, đầy đủ điều kiện để học tập, sinh hoạt... tương lai phía trước các em thật sáng.
...
Cách đây khoảng 2 năm, tôi có dịp về Tiền Giang thăm một vị linh mục với ý định có thể mở một phòng đọc sách cho các em thiếu nhi ở giáo xứ của cha nếu thuận tiện. Chưa biết gì về vùng quê này, tôi chỉ nghe nói rằng: đây là vùng sông nước nghèo nên sẽ đi qua nhiều cây cầu thô. Một mình, tôi đón xe buýt Sài Gòn - Cần Thơ, đến một vị trí cây cầu tên gì đó tôi cũng không nhớ nổi (nhiều cây cầu quá mà!), tôi nói bác tài cho xuống xe. Trên tay tôi chỉ có tờ giấy ghi địa chỉ và số điện thoại. Theo hướng dẫn, từ cây cầu ngoài quốc lộ đi vào đến giáo xứ khoảng 15km. Từ ngoài quốc lộ, có thể đi xe buýt vào khoảng 10km và đi xe ôm là vào giáo xứ. Nhưng nếu đi xe buýt (gọi là xe buýt nhưng thực tế là những xe 16 chỗ cũ có thể đưa ra bãi rác xe) tôi phải chờ khi nào khách đầy xe mới chạy. Chờ không biết đến bao giờ (?!). Tôi quyết định đi xe ôm. Tôi đến nói một anh xe ôm tên giáo xứ, nhưng anh không biết, có lẽ là người không Công giáo. Tôi đưa anh tờ giấy ghi địa chỉ. Anh cầm và nhìn vào tờ giấy một cách lúng túng. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao thì có một bác xe ôm khác đến đọc tờ giấy. Bác nói giá đi vào đến địa chỉ là 50.000 đồng, đồng ý bác sẽ chở. Anh xe ôm ngạc nhiên hỏi "Sao lấy nhiều dữ vậy?". "Tao không nói địa chỉ cho mày đâu." bác trả lời anh xe ôm và nói với tôi: "Thằng này ngu lắm. Nó không biết chữ nên không đọc được địa chỉ đâu...", nói rồi bác cười giễu cợt. Tôi thấy ngạc nhiên hết sức và thấy thương cảm cho anh. Anh trạc tuổi tôi nhưng một chữ bẻ đôi cũng không biết. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng vẫn có những người cùng thế hệ với mình lại mù chữ đến vậy. Mù tịt! Tôi quyết định nhờ anh chở và đọc dịa chỉ cho anh nghe, nhưng anh đưa tôi ra xe buýt và nói: "Chịu khó chờ chút xíu thôi. Đi xe buýt vào đó đỡ mệt và rẻ hơn". Tôi cám ơn anh. Ngồi chờ trong xe buýt, tôi mãi băn khoăn "Tại sao anh lại không biết đọc? Có bao nhiêu người như anh ở vùng quê này? Con người vùng sông nước nghèo khó, vốn hiền lành, thật thà như tôi thường nghe không biết còn bao nhiêu người như anh? không biết thế hệ con cái anh có "sáng" hơn không?... Những câu hỏi có vẻ thật ngớ ngẩn nhưng nó đã ở trong tâm trí tôi.
...
Hôm nay có dịp nhìn lại và có một phép so sánh nhỏ. Phải chăng Chúa đang nhắc nhỏ tôi điều gì? Ngày ra trường, tôi sẽ chọn làm việc như thế nào?
Hai môn đệ sau bao ngày tháng theo Thầy Giêsu đã thất vọng, buồn rầu trở về Emmaus. Thầy Giêsu Phục Sinh đã hiện ra, an ủi và động viên họ. Họ lại được sai đi để loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh.
Sống niềm tin vào Chúa Phục Sinh hôm nay, Thầy Giêsu cũng gửi tôi và bạn đi làm công việc AN ỦI, đem ánh sáng Chúa đến với mọi người?
Để chuẩn bị, bạn và tôi cùng sẵn sàng bước vào mùa Chay tịnh để ta cũng nhận được sự ủi an.

Nguyện chúc một mùa Chay thánh.
Bluefish