Thursday, March 17, 2011

Sắc màu

Giờ học chiều hôm qua, giảng viên dành cho chúng tôi 2 tiết để chia sẻ với nhau về những trải nghiệm trong đợt thực tập sư phạm vừa qua; những thuận lợi, khó khăn, những điều chúng tôi học tập được và cả những bức xúc. Lần lượt các bạn lên chia sẻ. Lúc đầu còn e dè, nhưng càng về sau, không khí chia sẻ càng sôi nổi. Có lẽ nhiều bạn khi nghe các bạn mình chia sẻ cũng bị chạm vào đâu đó trong tâm hồn các bạn những tình cảm chợt trở về. Đối với các bạn gặp nhiều thuận lợi hay sự giúp đỡ tận tình, chu đáo, gặp những học sinh ngoan, học giỏi thì nghề nhà giáo là một màu hồng đầy hứa hẹn cho tương lai. Mặc nhiên, đối với các bạn gặp nhiều khó khăn hơn, va chạm với thực tế và nhận ra những điểm yếu của mình làm các bạn mất tự tin... và các bạn phân vân về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình... trên bầu trời của các bạn, cơn giông đang kéo đến?
Tôi cảm nhận đây cũng chỉ là đặc điểm chung trong nhận thức của con người. Theo lẽ tự nhiên, con người luôn bị cuốn hút theo cái đẹp, những điều tâm đắc, những việc thuận lợi,... chúng thường được con người gắn với những màu sắc tươi sáng, và ngược lại. Con người làm thế nào để có thể giữ thăng bằng trong nhãn quang về cuộc sống của mình? Màu hồng, màu vàng, màu đỏ, màu xanh, màu tím, màu xám, màu đen... tôi đang nhìn thế giới xung quanh qua lăng kính của sắc màu nào?
Mùa chay, Mẹ Giáo hội khoác lên mình màu tím. Màu tím gợi sự u buồn? Nhiều người thường nghĩ vậy vì màu tím được dùng trong tang lễ. Thật ra, theo tôi học được, màu tím trong phụng vụ mùa Vọng, mùa Chay và trong tang lễ đều mang ý nghĩa của niềm vui và hy vọng. Màu tím được pha trộn bởi hai màu với lượng cân bằng nhau: màu đỏ và màu xanh lam. Màu đỏ tượng trưng cho đất và màu xanh lam tượng trưng cho trời. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người đã làm cho trời-đất được giao duyên. Từ đó, ơn cứu độ được thực hiện hướng con người về cuộc sống vĩnh hằng trong nước Thiên Chúa. Đây không phải là niềm vui và hy vọng dành cho con người đó sao? Theo hình ảnh của người quân tử Đông Phương, màu tím cũng thể hiện sự vâng phục, tự hạ, trở nên trống rỗng. Người quân tử trút bỏ những quyến luyến của bụi trần để vươn tới sự thanh cao qua việc rèn luyện bản thân, sửa chữa những khiếm khuyết... Đức Giêsu Kitô là người quân tử cho mọi thời đại noi theo: Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa". (Pl 2, 6-11)

Xin giúp con sống những giá trị thiêng liêng với màu Tím trong mùa Chay thánh này.


Bluefish

No comments:

Post a Comment