Friday, March 4, 2011

Ánh sáng cho hiện tại và tương lai

Tôi thực tập ở một trường Tiểu học được đánh giá là đạt chuẩn quốc gia. Tuần đầu mới về thực tập, tôi nghe thầy Hiệu trưởng giới thiệu về trường, tôi chỉ nghĩ đơn giản là do trường mới xây nên cơ sở vật chất mới và hiện đại. Qua thời gian sinh hoạt ở đây, chúng tôi mới bảo nhau rằng: "Đúng là trường đạt chuẩn quốc gia: từ cơ sở vật chất của trường; phương pháp dạy và thái độ làm của giáo viên, của công nhân viên; thời gian học tập, sinh hoạt câu lạc bộ của học sinh,... cho đến những giờ ăn, giờ nghỉ...". Không phải hoàn toàn 100% nhưng tôi vẫn nghĩ với những điều kiện sinh hoạt và học tập như vậy, các em học sinh học trong trường này thật may mắn. Tôi phần nào hiểu tại sao nhiều phụ huynh khốn khổ khi phải lo "chạy" để con cái được vào những trường điểm. Tôi nghe mọi người nói: đó là những gia đình "có điều kiện". Vâng, phần lớn là vậy. Sống giữa thành phố lớn, hiện đại, đầy đủ điều kiện để học tập, sinh hoạt... tương lai phía trước các em thật sáng.
...
Cách đây khoảng 2 năm, tôi có dịp về Tiền Giang thăm một vị linh mục với ý định có thể mở một phòng đọc sách cho các em thiếu nhi ở giáo xứ của cha nếu thuận tiện. Chưa biết gì về vùng quê này, tôi chỉ nghe nói rằng: đây là vùng sông nước nghèo nên sẽ đi qua nhiều cây cầu thô. Một mình, tôi đón xe buýt Sài Gòn - Cần Thơ, đến một vị trí cây cầu tên gì đó tôi cũng không nhớ nổi (nhiều cây cầu quá mà!), tôi nói bác tài cho xuống xe. Trên tay tôi chỉ có tờ giấy ghi địa chỉ và số điện thoại. Theo hướng dẫn, từ cây cầu ngoài quốc lộ đi vào đến giáo xứ khoảng 15km. Từ ngoài quốc lộ, có thể đi xe buýt vào khoảng 10km và đi xe ôm là vào giáo xứ. Nhưng nếu đi xe buýt (gọi là xe buýt nhưng thực tế là những xe 16 chỗ cũ có thể đưa ra bãi rác xe) tôi phải chờ khi nào khách đầy xe mới chạy. Chờ không biết đến bao giờ (?!). Tôi quyết định đi xe ôm. Tôi đến nói một anh xe ôm tên giáo xứ, nhưng anh không biết, có lẽ là người không Công giáo. Tôi đưa anh tờ giấy ghi địa chỉ. Anh cầm và nhìn vào tờ giấy một cách lúng túng. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao thì có một bác xe ôm khác đến đọc tờ giấy. Bác nói giá đi vào đến địa chỉ là 50.000 đồng, đồng ý bác sẽ chở. Anh xe ôm ngạc nhiên hỏi "Sao lấy nhiều dữ vậy?". "Tao không nói địa chỉ cho mày đâu." bác trả lời anh xe ôm và nói với tôi: "Thằng này ngu lắm. Nó không biết chữ nên không đọc được địa chỉ đâu...", nói rồi bác cười giễu cợt. Tôi thấy ngạc nhiên hết sức và thấy thương cảm cho anh. Anh trạc tuổi tôi nhưng một chữ bẻ đôi cũng không biết. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng vẫn có những người cùng thế hệ với mình lại mù chữ đến vậy. Mù tịt! Tôi quyết định nhờ anh chở và đọc dịa chỉ cho anh nghe, nhưng anh đưa tôi ra xe buýt và nói: "Chịu khó chờ chút xíu thôi. Đi xe buýt vào đó đỡ mệt và rẻ hơn". Tôi cám ơn anh. Ngồi chờ trong xe buýt, tôi mãi băn khoăn "Tại sao anh lại không biết đọc? Có bao nhiêu người như anh ở vùng quê này? Con người vùng sông nước nghèo khó, vốn hiền lành, thật thà như tôi thường nghe không biết còn bao nhiêu người như anh? không biết thế hệ con cái anh có "sáng" hơn không?... Những câu hỏi có vẻ thật ngớ ngẩn nhưng nó đã ở trong tâm trí tôi.
...
Hôm nay có dịp nhìn lại và có một phép so sánh nhỏ. Phải chăng Chúa đang nhắc nhỏ tôi điều gì? Ngày ra trường, tôi sẽ chọn làm việc như thế nào?
Hai môn đệ sau bao ngày tháng theo Thầy Giêsu đã thất vọng, buồn rầu trở về Emmaus. Thầy Giêsu Phục Sinh đã hiện ra, an ủi và động viên họ. Họ lại được sai đi để loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh.
Sống niềm tin vào Chúa Phục Sinh hôm nay, Thầy Giêsu cũng gửi tôi và bạn đi làm công việc AN ỦI, đem ánh sáng Chúa đến với mọi người?
Để chuẩn bị, bạn và tôi cùng sẵn sàng bước vào mùa Chay tịnh để ta cũng nhận được sự ủi an.

Nguyện chúc một mùa Chay thánh.
Bluefish

1 comment:

  1. Đất nước mình còn nhiều người nghèo khổ lắm, người giàu có đầy đủ chỉ là bề nổi của xã hội thôi. Nhưng đừng nản chí Blue Fish ạ! Một con chim én không làm nổi mùa xuân, song không có con chim én nào thì sẽ chẳng có nổi mùa xuân. . .Blue fish ạ!

    ReplyDelete