Trong đêm, chiếc xe cẩu điên dại cắt dọc làm đôi một chiếc xe van chở mười hai hành khách trên đường Sài Gòn Ban mê thuột tuần qua. Tai nạn đau thương ấy cuốn đi bảy nhân mạng và dày nát năm nạn nhân còn sống sót. Rủi thay, hai người bạn thân của tôi, Sáng và Phú lại là hành khách trên chuyến xe định mệnh ấy. Cả hai sắp bước lên Bàn Thánh, sắp khoác chiếc áo tư tế muôn đời. Nay một thầy ra đi vĩnh viễn, thầy còn lại gãy nát hai giò đang nhức nhối cơn đau. Biết mai đây có bước nổi lên bàn thánh, hay lại phải cuộn tròn đôi chân trên vành xe lăn định mệnh? Cuộc đời vẫn luôn là những chuỗi ngày dài bí ẩn!
Cả hai rời Sài gòn theo chuyến xe đêm. Trời về tối, nhưng lòng lại khấp khởi mừng vui với phút giây được về thăm quê cũ, được chung niềm vui với cô em gái trong ngày cưới. Đám đình đã chuẩn bị. Bà con lối xóm tấp nập bước chân, người qua kẻ lại. Cưới hỏi miền quê bao giờ cũng thế! Một gia đình có công việc là cả làng xóm xôn xao. Họ đến với nhau bằng cả tấm lòng. Vui là vui chung. San sẻ cho nhau cái ấm áp tình người. Như thế đó, trong cái nôi ấm áp ấy mà Sáng đã lớn lên. Rồi hôm nay, sau bao năm xa cách, anh lại trở về. Ôm ấp trong tim là cả một niềm vui xum họp. Sống những ngày với gia đình thân thương là cả một niềm hạnh phúc sâu đậm đối với những ai đang sống đời hiến dâng. Ra đi theo tiếng gọi, nhưng tổ ấm gia đình vẫn như bếp than hồng trước mỗi mùa đông lạnh. Mỗi một khi trở về nơi đó, là được sống cả một khung trời ăm ắp kỷ niệm.
Cái phút giây êm ấm ấy như những giọt nắng mai chiếu rọi qua tim anh, làm bừng lên hơi ấm của cả một tình thương gia tộc. Một đêm lăn lóc trên quảng đường dài như đã gần qua. Bóng đêm đã sắp tàn, lối về quê xưa cũng chẳng còn xa xăm. Có sá chi vài ba mươi phút ngắn ngủi cuối cùng của đoạn đường là nhìn thấy quê xưa, là ôm ấp người thân trong lòng yêu mến. Vậy mà ba mươi phút ấy lại là những phút giây kéo dài đến vô tận. Nó cắt đứt tất cả mọi liên hệ, nó làm chia lìa giữa những người thân thương. Anh sắp bước lên Bàn Thánh, cũng như anh sắp về đến quê xưa, cả hai hành trình đều phải khựng lại chính ngay trước điểm đến.
Hình ảnh đó đã gợi lên trong tôi một thoáng bâng khuâng sợ hãi. Nó đẩy mình dồn về với những quá khứ đã qua, làm tỉnh lại cả một khung trời kỷ niệm. Nó nhắc lại cả một quãng thời gian cả hai đứa ngược xuôi theo dòng đời. Thời gian của những băn khoăn vất vả trước vận mệnh thay đổi của quê hương. Trong lao đao xáo trộn của thời cuộc, chúng tôi bắt đầu hành trình bên nhau. Sinh ra cùng tuổi, lớn lên cùng lối xóm, chung học cùng thầy, rồi ra đi theo cùng tiếng gọi của đời hiến dâng. Lững thửng vào đời với bao nhiêu trăn trở. Nghe tiếng gọi đời tu khi dòng tu đóng cửa; nghe tiếng gọi lên đường mà chẳng biết mình đi về nơi đâu. Đời tu chui rúc như những người dân không có thẻ căn cước. Chủng viện giải tán, tu sĩ cuốn gói ra về. Thế mà trong cái bất ổn lênh đênh ấy, lại nghe văng vẳng một lời tha thiết mời gọi trên cao.
Sao ơn gọi huyền nhiệm đến thế! Ngài gọi lên đường nhưng chẳng cho hay một đôi dòng địa chỉ. Thì ra địa chỉ của đời tu chẳng phải ở nơi cơ sở của dòng tu, mà là Đức Kitô mới chính là địa chỉ. Ngài là điểm đến. Ngài là nơi hẹn hò. Hành trình tâm linh lắm lúc chẳng phải là để đi về đâu, làm gì, nhưng là đi với ai, và sống bên ai. Tiếng gọi lên đường phục vụ hay tiếng gọi trở về quê hương vĩnh cửu vẫn luôn là một lời mời gọi gắn bó. Chẳng phải gắn bó với một nơi, nhưng là gắn bó với một người: Đức Kitô.
Tôi nhận được tin bạn ra đi khi mùa Xuân đang về. Tâm hồn náo nức đưa tiễn thời gian, lại ngậm ngùi đưa bạn về lòng đất lạnh. Không hiện diện được bên nhau trong tiễn đưa lần cuối, nhưng lòng lại thật gần với nhau hơn cả những chuỗi ngày ấu thơ. Tôi hình dung một đám rước buồn bã về phía nghĩa trang thay cho niềm vui tiến lên Bàn Thánh giữa muôn tim rộn rã. Áo tang buồn trong quan tài khô héo mặc thay chiếc áo tư tế muôn đời của ngày thụ phong. Rồi một bài ca dâng hiến cất lên, cất lên lần cuối thay cho cả một đời hiến dâng trọn vẹn.
Bao ngày bạn tôi mong mỏi, bao năm anh ấy đợi chờ, thấp thỏm trong tim niềm vui của ngày thụ phong. Lòng háo hức một ngày mai lên đường; lòng mong mỏi muốn ngày mai ra đi: đi vào cuộc đời, đi vào lối đạo, và nhất là đi đến với lòng người. Giáo hội trông mong, quê hương cũng đợi chờ. Bạn bè ngong ngóng, ánh mắt mẹ hiền cũng tha thiết dõi theo chân anh từ những ngày chập chững đi vào lối tu.
Nay ước mơ dang dở, nay bến hẹn đợi chờ. Khép cánh cửa thời gian để bao tâm hồn còn lại nức nở. Anh ra đi theo một chuyến tàu dài, xa mãi ...
Câu thơ năm xưa của một ai đó chợt trở về như nói lời chia tay:
Đi là để cho người ta thương tiếc
Để người ta đưa tiễn bước chân mình
Để người ta phải se thắt lặng thinh
Thầm ghi khắc bóng hình vào tim óc.
Để người ta đưa tiễn bước chân mình
Để người ta phải se thắt lặng thinh
Thầm ghi khắc bóng hình vào tim óc.
Đi là để cho lòng ai bật khóc
Khi đêm về trặt trọc mãi không thôi
Dòng tâm tư trôi dạt bến xa xôi
Tìm vương vấn phía chân trời xa vắng
Khi đêm về trặt trọc mãi không thôi
Dòng tâm tư trôi dạt bến xa xôi
Tìm vương vấn phía chân trời xa vắng
...
Ra đi bao giờ cũng thế. Có mong mỏi, có đợi chờ. Nhưng ra đi theo áng mây chiều của cuộc đời thì niềm trông mong trở nên vô vọng. Xa là xa mãi. Hun hút trong mịt mù. Có còn muốn sống với nhau, chỉ là sống trong kỷ niệm. Kỷ niệm càng sâu, niềm đau càng nhức nhối. Tôi không thể quên được gương mặt hiền hòa với nét chịu đựng của Sáng. Anh chịu đựng cuộc sống, anh chịu đựng con người. Đời anh thầm lặng, nhưng chất chứa trong tim là cả một sức sống dâng trào: Sống cho Giáo hội, sống với quê hương.
Nhớ có lần tôi hỏi Sáng: “Chịu chức xong, cậu tính đi phục vụ ở đâu?”
Anh ưu tư trong ánh mắt ngập ngừng:
- “Chưa biết, nhưng có lẽ mình sẽ đi kinh tế mới, Phước Long, Sông bé hay Gia Lai, tùy bề trên sắp xếp. Mình muốn sống với dân nghèo để nâng đỡ họ. Gia đình tớ nghèo, và tớ hiểu thế nào là cảnh nghèo rồi, tội nghiệp lắm cậu ơi!”.
Tôi nhìn anh nghẹn ngào. Hóa ra cái nghèo của gia đình lại là bếp than hồng nung nấu ngọn lửa tông đồ của anh. Anh không tìm nhà tu để chạy trốn cái nghèo của gia đình, mà là anh tìm ý nghĩa của cái nghèo trong những năm tu, để rồi mai đây lại trở về với dân nghèo bằng cái nhìn mới, bằng con tim mới và bằng cả cuộc sống mới. Tôi nguyện thầm mong cho Giáo hội Việt Nam mai sau có thêm một linh mục lý tưởng dấn thân cho dân nghèo. Linh mục bao giờ cũng thiếu, nhưng thiếu hơn là những tâm hồn đích thực của linh mục. Nhìn quê hương khắc khoải, nhìn cảnh nghèo tả tơi mà lòng háo hức cho đến ngày thụ phong để cất bước lên đường, để góp phần khâu vá chiếc áo tả tơi của quê hương.
Nhớ ngày tôi sắp rời quê hương, anh bạn vẫn còn băn khoăn nhắn vội:
- “Cậu qua đó học, mai mốt về giúp quê hương, đừng ở luôn bên đó nhé!”
Tôi tần ngần e ngại. Chuyến đi xa tắp này chưa biết ngày mai ra sao? Có chuyến đi nào mà nắm chắc được bến đỗ. Rồi tôi ra đi, anh ở lại, âm thầm như nắm men trong bột, mong cho cả quê hương có ngày được dậy men. Dốc bao tâm tư nghị lực với bao tháng năm dài đăng đẳng để mong trở thành muối, để mong biến thành men. Cuộc đời có lắm thứ men xấu tốt lẫn lộn, ươm ướp để thành men Giêsu thật là một thách đố lớn lao. Những chuỗi ngày ấy âm thầm nhưng cũng thật quá ư mãnh liệt. Từng ngày sống là như buông mái chèo theo dòng nước ngược. Hờ hững xuôi tay là thuyền xuôi, sóng cuốn. Và Sáng đã chèo, đã đẩy. Nhắm mắt giữa dòng mà mái chèo vẫn giữ chặt trong tay. Chao ôi, sao có những hình ảnh thân thương đến thế!
Hình ảnh ấy gợi lại cho tôi một lời hứa năm xưa với Sáng:
- “Cậu ráng kiên trì nhé, lúc nào chịu chức, mình sẽ về dự lễ!”
Thời gian qua mau. Ước nguyện cho nhau năm xưa như đã thấp thoáng ánh nắng của mùa Xuân. Có người đang hối hả may cho anh tấm áo lễ rực màu của đời hiến tế. Nhưng rồi Sáng lại ra đi, bỏ lại tấm áo lễ với những đường may dang dở, dang dở như chính cuộc đời của anh. Thật giống như tâm tư của lời kinh Hezekia mà người tu sĩ thường cất lên suy niệm đời mình:
Lạy Chúa, con như người thợ dệt
Đang mải dệt đời mình
Bỗng nhiên bị tay Chúa
Cắt đứt ngay hàng chỉ (Is 38, 10-12).
Đang mải dệt đời mình
Bỗng nhiên bị tay Chúa
Cắt đứt ngay hàng chỉ (Is 38, 10-12).
Tội nghiệp quá, đường may tấm áo chưa trọn vẹn, nét đan cuộc đời cũng chưa xong. Anh dệt, anh may, nhưng tấm áo đời anh lại chẳng ở trong tay người thợ dệt. Nó ở trong tầm tay của người làm nên sợi tơ. Vì thế, sinh ra là để trở về. Chẳng có cuộc đời nào là dòng sông vĩnh cửu. Muốn có sự sống vĩnh cửu thì phải một lần khô cạn dòng sông, có nghĩa là phải chết đi một lần để đi vào cõi sống. Đôi khi tiếng khóc chào đời đã bắt đầu nốt nhạc của bài hát chia ly rồi. Tôi hát tiễn đưa anh hôm nay, rồi có người lại xướng hát cho cho tôi ngày mai. Điệp khúc của cuộc đời dường như chỉ lặp đi lặp lại một khúc ca tiễn biệt.
Chìm trong cái bùi ngùi tiễn biệt ấy, tôi thì thầm hỏi Chúa:
- “Chúa ơi, sao không để cho Sáng được dâng Thánh lễ đầu đời, cho anh được khoác chiếc áo tư tế một lần, cho anh có dịp phục vụ cánh đồng lúa chín mênh mông? Chúa đã chẳng bảo con cầu nguyện để Ngài sai thêm thợ gặt cho đồng lúa bao la hay sao? Chẳng lẽ Chúa không cần thêm thợ gặt, hay Chúa muốn thợ gặt hôm nay là tất cả giáo dân? Đôi khi con cũng nghĩ thế, nhưng có những chức năng làm sao giáo dân gánh vác nổi . Họ còn cả gia đình, họ còn trách nhiệm với người thân! Rồi khi con nhìn những cha già ở Miền Bắc phải lặn lội cả trăm cây số để làm lễ vì thiếu linh mục mà làm con chạnh lòng. Giá như bạn con còn sống thì đỡ đần biết bao gánh nặng cho các ngài già nua, và nâng đỡ biết bao tâm hồn!”
Tôi thầm thì như thế, rồi lời thì thầm cũng gợi lại một tâm tình ngày xưa có lần tôi hỏi Đức Kitô: “Chúa ơi, sao ngày xưa Ngài không sống thêm năm mười năm nữa cho nước Chúa được rộng lan? Người ta đang ồ ạt đi theo, lòng tông đồ đang khấp khởi vui mừng. Rồi bất chợt Ngài loan báo khổ nạn, đi Giêrusalem, rồi tự do nộp mình, để lại biết bao tâm hồn hoang mang!”
Gởi một tâm sự ra đi, mà chẳng nghe có tiếng đáp trả. Thế nhưng tôi lại nghe văng vẳng trong tim vọng lên dụ ngôn về hạt giống:
Gieo. Mục nát. Nẩy mầm. Sinh trưởng, rồi trổ bông. Ôi sao cao cả đến thế! Khôn ngoan của Thiên Chúa lại vén tỏ trong chính kinh nghiệm của người nông phu. Có nông phu nào mà cầu mong cho hạt giống trơ trọi mãi. Mong cho hạt giống đừng mục nát, thì vô tình đợi trông một mùa đói kém.
Cũng thế, cái mục nát hư hao của chiều núi sọ mà làm sống dậy biết bao tâm hồn. Ngay cả lúc Đức Giêsu đang bị treo lấp lửng trên thập giá mà có kẻ đã được tái sinh cõi lòng:
- “Thật ông này là con Thiên Chúa!”. Người lính hành hình đã thốt lên từ đáy lòng tiếng nói của niềm tin. Anh nhận ra con Thiên Chúa khi Ngài vẫn còn đong đưa trên thập tự. Cái phút giây mục nát ấy, thế mà là điểm khởi đầu cả một mùa lúa trường sinh ...
Tôi mong cho Sáng có ngày bước lên bục giảng. Mong được nghe tiếng anh cất lên giữa cộng đoàn. Vậy mà anh lại chọn ra đi để thay cho lời rao giảng cuối cùng. Cái chết của anh trở thành bài giảng thấm sâu nhất cho dòng đời hôm nay. Anh giảng cho chúng tôi những chủng sinh hôm nay về ý nghĩa của tấm áo lễ. Tấm áo chỉ rực rỡ khi người khoác nó biết đan dệt cả đời mình bằng những sợi chỉ của Tin Mừng. Nó chỉ có giá trị khi đường may là những chuỗi ngày đan kết với Đức Kitô. Tấm áo không quan trọng cho bằng khoác lấy chính Đức Kitô, một Đức Kitô tự hiến, một Đức Kitô quên mình. Anh nói cho tôi hay, không đắm mình trong Đức Kitô, tấm áo lễ sẽ trở nên nhạt nhòa, bàn thờ sẽ trở nên lạnh lẽo, lời rao giảng trở thành trống rỗng, không hồn. Có khi đời chủng sinh của chúng tôi hôm nay lắm lúc cũng đang dệt tấm áo lễ từ những sợi tơ có nhuốm màu danh vọng, địa vị và xa cách chăng! Sợi chỉ yêu thương của Tin Mừng dường như cũng đang phai màu theo những phong ba của cuộc sống. Bám lấy trần thế, là thả đời theo mây bụi ngàn phương.
Vậy đó, anh lặng lẽ ra đi mà anh lại nói lên thật nhiều điều, nhiều hơn chính cả lời anh nói khi còn sống.
Rồi anh nói cho giới trẻ xứ đạo của tôi tại quê nhà những lời tâm huyết sâu xa. Một giới trẻ đang sa lầy trụy lạc: nghiện ngập, chơi bời trác táng, bất trung trong tình thủy chung, nhiều gia đình trẻ đang lung lay trong hạnh phúc mong manh. Rồi một cơn bão tâm hồn kéo đến, tất cả rùng mình nhìn quan tài một tu sĩ trẻ đi qua. Ai nấy lặng người, nhìn nỗi mong manh của kiếp sống nhân sinh. Nhìn đời mình cũng chóng qua như một cơn gió thoảng. Lòng gọi lòng nhắc nhớ cho nhau tâm tình sám hối, để biết sống ngày hôm nay như thể là ngày cuối của cuộc hành trình.
Trong cơn đau mà lại làm sống lại bao tâm hồn trẻ. Anh nằm im bất động, nhưng đã làm sống dậy bao mùa Phục Sinh. Chao ôi, còn bài giảng nào đánh động hơn thế! Còn đời hiến tế nào ý nghĩa hơn thế. Tấm áo lễ của anh đang dang dở với những đường may, nhưng đời hiến tế của anh thì thật quá trọn vẹn, bởi một lần nằm xuống mà làm chỗi dậy biết bao tâm hồn.
Trong nỗi buồn miên man của lần anh ra đi, tôi như cảm nghiệm được một niềm an ủi sâu lắng. An ủi vì thấy đời anh thật ý nghĩa. An ủi vì cái chết của anh đang thắp lên nhiều tia sáng trong lòng người, làm ngọn nến âm thầm soi dẫn nhiều bước chân. Nó đúng thật như tên gọi của anh “Nguyễn Bá Sáng”, cái tên gọi như được tiền định từ đời đời, để tỏa sáng một lần, rồi âm thầm đi vào ánh sáng vĩnh cửu.
Trong chiều vắng, tôi thắp lên một ngọn nến nhỏ trong phòng như một lần tưởng nhớ. Từng tia lửa bập bùng của ánh nến lan tỏa tới từng góc tối của căn phòng, và lan tỏa đến mỗi vùng u tối của tâm hồn mình. Nó làm cháy tan những nỗi buồn mất mát, và làm vơi đi những khoảnh khắc đơn côi . Tôi dâng một lời cầu nguyện cho Sáng, cho gia đình anh, và cho tất cả những ai đang đi qua kinh nghiệm chia ly. Xin nguồn ánh sáng phục sinh ban niềm hy vọng. Xin nguồn ủi an xoa dịu lòng người. Xin cho tấm áo lễ còn dang dở những đường may của anh vẫn mãi là hình ảnh đẹp nhất của một cuộc đời đã hiến dâng cho Đức Kitô trọn vẹn.
Nguyễn Thảo Nam (Theo ngonnennho.net)
Mình cũng rất cảm động khi đọc bài viết về Thầy Sáng. Một cuộc sống đối với người ngoài tuy bình thường nhưng thật phi thường trước mặt Thiên Chúa. Như chị Thánh Terexa xưa kia đã yêu Chúa một cách mãnh liệt nhưng với tâm hồn thật đơn sơ, gần gũi Chúa và mọi người xung quanh.
ReplyDeleteƯớc gì anh chị em chúng ta luôn tỉnh thức để cầu nguyện và hy sinh như Thầy Sáng, yêu Chúa và anh em thật lòng, không hoa mỹ.
Cần lắm những tâm hồn đơn sơ và can đảm như Thầy.
Xin dâng lời cầu nguyện cho Thầy trong tháng các linh hồn!