Saturday, June 18, 2011

Mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

 Tìm hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi luôn là câu hỏi lớn cho nhân loại. Con người không thể nói hết về Thiên Chúa Ba Ngôi vì đó mà một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này được khai mở một cách rõ nét hơn qua kinh nghiệm đời sống tại thế, qua lời và hành động của Đức Giêsu nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Mạc khải tình yêu cho nhân loại đã được Thiên Chúa chuẩn bị qua dòng lịch sử dân It-ra-en được ghi chép lại trong Kinh Thánh dưới sự linh hướng của Chúa Thánh Thần.
Giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi thường được diễn đạt: “Một Thiên Chúa, ba Ngôi vị”. Trong niềm tin Kitô giáo, Thiên Chúa Ba Ngôi được khẳng định trong Kinh Tin Kính. Thiên Chúa Ba Ngôi thường được liên tưởng đến hình ảnh của một tam giác đều hay một vòng tròn của một điệu nhảy luôn thay đổi vị trí cho nhau nhưng không tách rời nhau…  
1.      Các khái niệm:
Mầu nhiệm (mysterion – Hy Lạp): điều bí mật, một bí ẩn của Thiên Chúa mà trí khôn loài người không thể hiểu được trừ khi được mạc khải.
Thiên Chúa Ba Ngôi: Theo giáo lý hỏi thưa đơn giản được học từ nhỏ.
Hỏi: Có mấy đức Chúa Trời?
Thưa: Có một Đức Chúa Trời mà thôi.
Hỏi: Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?
Thưa: Đức Chúa Trời có Ba Ngôi: Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần.
Định nghĩa về Thiên Chúa Ba Ngôi, không ai có thể định nghĩa, nói hết được về Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là một mầu nhiệm mà con người có những hạn chế về ngôn ngữ, về suy tư… không thể diễn giải hết được. “Đây nhiệm tích vô cùng cao quý, nào chúng ta phục bái tôn thờ, và dấu tích ngàn xưa lưu kí, phải kính nhường nghi lễ mới đây. Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.” (Đây Nhiệm Tích – Kim Long). Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm toàn bộ đời sống đức tin của người Kitô hữu, là trọng tâm niềm tin của Kitô giáo. Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải qua Chúa Giêsu về Thiên Chúa là Cha, nhờ sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần.
Mạc khải là gì? Theo ấn bản điện tử Giáo lý Công giáo của Giáo phận Vĩnh Long, mạc khải là việc Thiên Chúa tỏ bày cho con người biết Thiên Chúa là ai và Người muốn gì. Nhờ đó con người có thể đến với Thiên Chúa và hiệp thông với Người.
Mục đích của mạc khải là để gặp gỡ. Thiên Chúa muốn làm bạn với con người. Thiên Chúa muốn đến với con người, gặp gỡ con người. Con người là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa. Vì yêu, Thiên Chúa đã nâng con người lên ngang hàng với Người, thánh hóa con người được trở nên giống hình ảnh của Người và mạc khải cho con người biết về Người qua Đức Giêsu Kitô. http://catholicvideo.org/Media/mackhai-pdf.pdf
2.      Mạc khải Kitô giáo: Trong giáo lý Kitô giáo, mạc khải là chân lý đức tin, là Lời của Thiên Chúa duy nhất – Thiên Chúa Ba Ngôi – Cha, Con và Thánh Thần - nói với nhân loại hữu hình qua vũ trụ, qua lịch sử cứu độ được ghi chép trong Kinh Thánh, qua Đức Giêsu Kitô – Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người bằng những lời rao giảng và hoàn tất công trình cứu độ nhân loại.
Qua vũ trụ và các tạo vật: Ngày nay, con người vẫn luôn cố gắng tìm hiểu những điều bí mật về nguồn gốc của vũ trụ, về sự xuất hiện của con người từ vượn người tối cổ. Quay ngược dòng thời gian, biết bao nhà khao học đã tốn bao công sức để chứng minh, để tìm hiểu… đi đến tận cùng của thời điểm xa xưa nhất của vũ trụ, nhưng vẫn không thể chứng minh được trước những sự chuyển biến, sự hình thành, trong vũ trụ đã có những gì? Với những giới hạn của mình, con người không thể hiểu hết được những cái bao la vô cùng của vũ trụ. 
Trong niềm tin Kitô giáo, theo Thánh Kinh ghi chép lại trong sách Sáng thế (St 1): Thiên Chúa sáng tạo trời đất trong 6 ngày: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ hư vô. Thiên Chúa tạo dựng muôn loài muôn vật bằng Lời quyền năng của Người. Thiên Chúa thổi Thần Khí của Người để ban sự sống cho con người. Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Người, tức là ban cho họ trí khôn, khả năng biết chia sẻ tình yêu của Người và ban cho họ quyền cai quản vạn vật trong vũ trụ. Thiên Chúa thấy mọi sự đã làm quả là tốt đẹp. Thiên Chúa chúc lành cho vạn vật.
“Hãy đếm tinh tú trên trời mà biết ơn Người cho đời, và xem cát biển để hiểu Người thương ta. Người thương ta muôn ngàn năm rất xa, thuở muôn loài chưa thành trong cõi đời, chính Người mở cho ta đất trời biển bao la.” (Cát Biển Sao Trời – Phanxicô)
v     Qua lịch sử cứu độ trong Kinh Thánh Cựu Ước:
Thiên Chúa mạc khải cho Môisen: ‘Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi? " ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Mô-sê! Mô-sê! " Ông thưa: "Dạ, tôi đây! " Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh." Người lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp." Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.’(Xh 3, 2 – 6)
"Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.": Nơi Thiên Chúa ở là đất thánh, Thiên Chúa là Đấng thánh, là Thiên Chúa quyền năng, sống động, luôn quan tâm và yêu thương con người. Thiên Chúa mời gọi Môisen vào sứ vụ dẫn dân ra khỏi thân phận đau khổ. Vì thế, ông Môisen là người đại diện cho Thiên Chúa trong Cựu Ước dẫn dắt dân thoát khỏi ách nô lệ. Thiên Chúa đã mạc khải cho Môisen biết Người là ai: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp." , “Ta là Đấng Hiện hữu” (Xh 3, 14).
Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa: Ông Môisen đã được Thiên Chúa mời gọi đi vào trong tương giao với Thiên Chúa. Thế nhưng, ông vẫn là một con người, một loài thụ tạo, nên vẫn còn khoảng cách giữa ông với Thiên Chúa, giữa con người thụ tạo với Đấng tạo dựng. Thiên Chúa là Đấng siêu việt, vượt lên trên mọi lối suy nghĩ, lối nhìn của con người. Con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa, không thể hiểu hết về Thiên Chúa. Con người chỉ có thể biết về Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, Đấng đã xuống thế làm người, sống giữa con người. Chính Đức Giêsu Kitô là nhịp cầu nối giữa con Người với Thiên Chúa: “Không ai có thể đến với Cha mà không qua Thầy”.
v     Qua Đức Giêsu Kitô:
Không ai sống mà không có các mối tương giao với người khác. Không ai có thể chỉ sống hoàn toàn cho mình, mà cũng không ai có thể tự mình mà sống được. Con người chỉ có thể hiểu chính mình khi con người có những mối tương giao với người khác. Là những loài thụ tạo, con người không thể sống thiếu Thiên Chúa. Từ những khát vọng tìm kiếm sự tương giao, tìm kiếm nơi an toàn nhất để nương náu, con người đi tìm Thiên Chúa, con người tin vào Thiên Chúa – một Đấng đầy quyền năng, siêu việt, vượt trên mọi loài thụ tạo và đầy tình yêu thương.
Trong tương giao với con người, Thiên Chúa mạc khải chính mình trong lịch sử qua chính Con của Người là Đức Giêsu. Thiên Chúa bày tỏ bản chất của Người qua Ngôi Lời và hành vi cứu độ. Qua kinh nghiệm của Đức Kitô, qua đời sống của Đức Kitô, con người nhận biết Thiên Chúa là Cha, gặp gỡ Thiên Chúa Cha qua Chúa Con và nhờ Chúa Thánh Thần.
Niềm tin độc thần – chỉ có một Thiên Chúa – cho con người nhận biết cuộc sống con người trở nên trọn vẹn trong tương quan với Chúa Con để đến với Chúa Cha. Chính Đức Giêsu đã đến trong thế gian để trở thành con đường dẫn lối cho con người tìm gặp Thiên Chúa Cha. Trong tương quan đặc biệt duy nhất ấy, Đức Giêsu là sứ giả của Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đến. Thiên Chúa đã chứng thực, đóng dấu cho Người và đổ Thần Khí trên Người. Thiên Chúa ở trong Người, ở với lời nói và hành động của Người. Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình: “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10, 30).
3.          Danh xưng và bản tính của Thiên Chúa:
Danh xưng là tên gọi một người hay được dùng để chỉ vị trí của một người trong xã hội. Tên gọi đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp. Hơn thế nữa, tên gọi diễn tả tình yêu và hy vọng, thể hiện phần tính cách, bản tính của đối tượng được gọi tên. Muốn biết ai, trước hết phải biết tên người đó. Biết tên Thiên Chúa là khởi đầu biết về Thiên Chúa.
Người lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3, 6). Vị Thiên Chúa mà Abraham, Isaac và Jacob tôn thờ là thần El-Shaddai. Shaddai có nghĩa là đá. Thần El-Shaddai là vị thần của đá (El of the Rock). Khi ca hát để chúc tụng Thiên Chúa El, họ gọi Ngài là Eloa. Dân Sumerians tôn thờ thần El từ khoảng năm 5500 TCN, tức trước khi có đế quốc Babylon. Tiếng Semitic (Do Thái) gọi EL là Elim. Elim là danh từ số ít, Elohim là danh từ số nhiều nhưng lại nghĩa là MỘT (Elohim is one) vì Elohim bao hàm ý nghĩa thần El là vị thần của tất cả mọi sự (The All-God). Thần El là Toàn Thể (The one who is All) gần tương tự như Toàn Năng (The Almighty-The Absolute Power). Thần El là vị thần chân thực của các thần (The one true God of gods) là vị thần được mọi người gọi bằng nhiều tên khác nhau nhưng sự thực chỉ là một (many names of the one true God). Thần El là tổng thể của mọi sự thiêng liêng (The totality of the Divine). (Thiên Chúa Elohim của Đạo Do Thái Nguyên thủy - Charlie Nguyễn )
Thiên Chúa mạc khải Người là ai trước khi Người thực hiện một điều gì. Gia Vê trong biến cố Xuất hành là Đấng hiện có: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3, 14), là Thiên Chúa của tình yêu, của lòng bao dung và đầy nhân nghĩa tín thành, là Đấng giải thoát muôn dân: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của người, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20, 2). Giavê là Thiên Chúa ở cùng dân, giải thoát dân ra khỏi Ai cập và đưa dân vào Ðất Hứa chảy sữa và mật ong.
4.      Ưu phẩm của Thiên Chúa:
Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, tự mình mà có, ngoài Thiên Chúa ra không còn một Thiên Chúa nào khác: “Nghe đây, hỡi It-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.” (Đnl 6, 4)
Thiên Chúa là Đấng siêu việt, hiện diện khắp nơi, gẫn gũi con người, quan tâm và chăm sóc con người: (Tv 139, 1 – 6)
Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
Biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
Thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.
Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
Bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.
Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm,
Quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!
Thiên Chúa là Đấng tuyệt hảo, đầy quyền năng và khôn ngoan, giàu lòng thương xót và nghiêm minh chính trực: (Tv 145, 3 – 12)
Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.
Người cao cả khôn dò khôn thấu.
Đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa
Và truyền tụng những chiến công của Ngài,
Tuyên bố Ngài oai phong vinh hiển,
Kể lại rằng: Ngài thực hiện những kỳ công,
Bảo cho nhau: sức mạnh Ngài đáng sợ,
Loan truyền rằng: Ngài cao cả lắm thay!
Nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng,
Hoan hô Ngài công chính.
Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
Chúa nhân ái đối với mọi người,
Tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
Kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
Nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
Xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
Để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
Và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
Thiên Chúa là Đấng thánh: (Is 6,3)
"Thánh! Thánh! Chí Thánh!
Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh!
Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa! "
Thiên Chúa là Thiên Chúa tình yêu, là vị Mục Tử nhân lành: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”. (Is 40, 11)
Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu, là đầu và là cùng đích. Tất cả sẽ mất đi nhưng Thiên Chúa tình yêu là bất tử. Thiên Chúa là không gian và thời gian từ muôn thuở cho đến muôn đời.
5.      Tình phụ tử của Thiên Chúa:
Abba, tiếng gọi “cha ơi” của trẻ Do Thái. Một tiếng gọi quá đỗi thân tình, gần gũi, chân tình, đầy tình yêu mến, tin tưởng, cậy trông.
Trong Cựu Ước, dân không dám gọi Thiên Chúa là “Abba – Cha ơi”, nhưng chỉ có những tập thể gọi Thiên Chúa là “Abihenu – Cha của chúng con”. Mặc dù vậy, Thiên Chúa từ muôn đời vẫn là Người Cha nhân hậu và trung tín của dân It-ra-en, một dân được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Người, được Người thánh hiến và lập giao ước với dân: ‘Đức Chúa phán thế này: “Con đầu lòng của Ta là It-ra-en”. (Xh 4, 22).
Trong Tân Ước, tiếng “Abba – Cha ơi” của Chúa Giêsu diễn tả tâm tình của Người đối với Thiên Chúa Cha. Người gọi Thiên Chúa là Cha: người Cha của tình yêu thương, của lòng từ bi và nhân hậu, người Cha mà Người hằng gắn bó, hết mực yêu thương và vâng phục, người Cha luôn ở trong Người và Người luôn ở trong Cha. Trong mối tình Cha – Con thể hiện một tình yêu trao ban trọn vẹn. Thiên Chúa yêu thương Con mình nên đã trao chính người Con duy nhất cho đối tượng tình yêu của Người là nhân loại. Chúa Con yêu Cha đến nỗi chấp nhận thân phận làm con người để thực thi ý nguyện của Cha một cách trọn vẹn, tuyệt hảo. Nhờ vai trò của Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, con người được sống trong tình phụ tử với Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha qua lời kinh mà chính Đức Giêsu, người Con Một của Thiên Chúa đã dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. Con người được sống trong tâm tình con thảo, đơn sơ và phó thác nơi Thiên Chúa Cha. Tình yêu Thiên Chúa Cha dành cho con người là tình yêu của người Cha luôn chờ đợi, yêu thương, tha thứ và hy vọng trông ngóng “những đứa con hoang đàng” trở về cùng Cha.
6.      Thần Khí
Thần Khí là mối dây liên kết tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa Ba Ngôi chính là Thiên Chúa tình yêu; tình yêu giữa Cha – Con qua Thánh Thần. Con người chỉ có thể hiểu được mầu nhiện Thiên Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh của tình yêu. Tình yêu chia sẻ sự sống. Tình yêu thánh hóa, biến đổi con người trở thành người mới. Tình yêu quy tụ con người liên kết, hiệp thông với nhau. 
Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa: Chúa Thánh Thần không ngừng canh tân, đổi mới con người, làm cho con người được trở nên giống Chúa Kitô hơn. Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiệm thánh hóa: cho con người có sự sống, tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa, cho con người trở thành con của Thiên Chúa Cha, làm bạn với Chúa Con nhờ Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là Đấng qui tụ, hiệp nhất trong yêu thương: Chúa Thánh Thần là nhịp cầu tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần qui tụ mọi người từ khắp nơi về một mối, hiệp nhất với nhau trong Giáo Hội. Giáo Hội không phải là một nhóm người cô đơn nhưng là anh chị em trong một gia đình có Thiên Chúa là Cha. Mầu nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiệm hiệp nhất, tương giao tình yêu không thể tách rời.
v     Các hình ảnh về Chúa Thánh Thần:
Gió: Gió nhẹ nhàng, thanh mát. Gió xoa dịu nỗi đau, làm vơi đi những ưu phiền. Gió là sự tự do, là hy vọng hướng tới tương lai. Gió tồn tại bằng sự cho đi, chỉ khi cho đi gió mới tồn tại. Không ai nhìn thấy gió mà chỉ cảm nhận được gió. Chúa Thánh Thần là ngọn gió siêu nhiên, ngọn gió Thần Khí đưa con người đi vào tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Cuộc đời con người như một con thuyền giữa biển cả. Gió bão sẽ tàn phá thuyền, nhưng ngọn gió của Thần Khí sẽ đưa thuyền đến bến bình an.
Hơi Thở: Con người có sự sống là nhờ hơi thở. Thiên Chúa đã ban cho con người sự sống bằng cách thổi hơi, thổi Thần Khí cho con người. Con người trở nên khỏe mạnh, hoạt bát, tự tin nhờ tinh thần thoải mái, nhịp thở ổn định. Con người cảm nghiệm được sự bình an trong tâm hồn khi có Chúa Thánh Thần tác động. Mất đi hơi thở, con người đi vào cõi chết. Mất đi Thần Khí, con người đang xa rời Thiên Chúa.
Lửa: là nguồn ấm áp và sáng soi. Chính Chúa Giêsu đã phán: “Tôi đã đến để đốt lửa trên thế gian; và Tôi còn mong gì hơn là nó được bùng sáng lên!” (Lc.12:49). Lửa được thắp lên để soi sáng, để qui tụ mọi người hướng về một mối. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ. Chúa Thánh Thần là Ngọn Lửa Mới đốt nóng lên ngọn lửa đầy nhiệt huyết dấn thân, soi sáng, ban ơn khôn ngoan cho các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần là Ngọn Lửa Mới quy tụ muôn dân lại. Chúa Thánh Thần là Ngọn Lửa Mới xua tan mọi sợ hãi, mang lại niềm vui cho muôn dân quy tụ nhảy mừng bên ngọn lửa thiêng.
Lời kết
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không thể diễn đạt được với những ngôn ngữ, tư duy giới hạn của con người. Con người chỉ có thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bằng niềm tin và tình yêu của mình đối với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, Đấng đã đến thế gian và ở trong thế gian, và nhờ sự thánh hóa, soi sáng của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Ba Ngôi là sự sống trong mối tương giao tình yêu. Ba Ngôi Thiên Chúa đều có 3 chức năng: Chúa Cha là Đấng tạo dựng con người, ở trên con người và bảo vệ con người. Chúa Con là bạn đồng hành với con người, ở với con người và cứu chuộc con người. Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa con người, ở trong con người, soi sáng và dẫn dắt con người tìm về Thiên Chúa tình yêu.
Kinh Thánh là bức thư tình mà Thiên Chúa gửi đến cho con người, đối tượng tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu hôm qua, hôm may và mãi mãi.
Bluefish 




No comments:

Post a Comment