Wednesday, December 22, 2010

GIÁNG SINH...

BONG BÓNG VÀ GẤU BÔNG
Tan lễ đêm, anh và bạn gái đi dạo phố thêm. Giờ này, bên hè phố vẫn còn một em gái đang ngồi bán gấu bông nhưng không thấy ai mua. Anh tội nghiệp cô bé, vòng xe lại, tắp vào mua gấu bông cũng là để tặng bạn gái. Đang định hỏi giá gấu bông, một em trai chạy đến, mời mọc: “Chú ơi! Mua bong bóng giúp con.” Cô bạn gái ngồi sau xe vội nói: “Anh ơi! Mua một thứ thôi.” Em gái bán gấu ôm cũng nhanh nhẹn nói: “Chú mua bong bóng đi. Khỏi mua gấu ôm cũng được.” Anh hơi khó hiểu hỏi lại: “Tại sao lại không mua gấu ôm cũng được?” Cô bé nói nhỏ nhẹ như có nước mắt: “Nó là em trai con. Gấu bông để lâu được, còn bong bóng đã bơm thì cần bán ngay.” Tuy anh không nhiều tiền nhưng vẫn quyết định mua một con gấu ôm và một trái bóng bóng lớn. Trên đường về nhà, nhìn hàng chữ “Merry Christmas and Happy New Year” trên quả bong bóng, anh nói với bạn gái: “Ở độ tuổi đó, ngày lễ vui như hôm nay, đáng lẽ hai em đó phải được ở trong nhà với cha mẹ và chơi những đồ chơi các em thích.”

THIỆP GIÁNG SINH

Tôi mở email ra thấy hơn một chục cái với tiêu đề “Merry Christmas…”. Tôi cũng tìm các mẫu thiệp sẵn có trên mang gửi đáp lễ lại các địa chỉ đã gửi đến. Trên đường về nhà trọ, tôi ghé nhà sách mua thêm một số thiệp in sẵn để gửi cho bạn bè và một số mối quan hệ xã hội. Về đến phòng, bạn tôi đưa thêm một số thiệp mới nhận được. Làm tôi bất ngơ và đáng lưu tâm là tấm thiệp của đứa em gái ruột ở quê nhà. Nó mới 13 tuổi mà đã biết lấy hoa khô, cỏ dại dán lên một tấm giấy bìa làm thiệp Giáng Sinh. Trong thiệp còn có ghi chuyển lời chúc của cha mẹ đến tôi. Tôi cảm động đến muốn khóc và thấy có lỗi vì tôi đã chưa gửi một tấm thiệp nào về cho gia đình. Những tấm thiệp ảo trên mạng, những tấm thiệp nhà in in sẵn, tôi thấy có gì đó vô hồn hơn tấm thiệp làm bằng tay đây tình thương gia đình và hương sắc quê mình.

TUỔI HẸN HÒ

Cậu con vừa đưa bố về nhà đã vội phóng xe máy đi tiếp. Nhìn ông bước vào nhà với vẻ không vui, bà hỏi: “Ông đi viếng hang đá được mấy giáo xứ mà đã về?” Vẻ mặt không vui, ông nói: “Bà xem đấy. Tôi cũng có tuổi rồi mà thằng út trở tôi, nó cứ chạy băng băng trên phố. Xem viếng hang đá gì mà phải xem vội xem vàng. Mới thả tôi xuống trước nhà, nó lại vội vòng xe phóng đi mất. Uổng công ngày xưa khi nó còn bé, đưa nó đi học bằng xe đạp, tôi phải cẩn thận dặn ôm chặt lấy bố, giữ bàn chân không được đút vào căm xe.” Với kinh nghiệm thời tuổi trẻ và linh cảm của người mẹ, bà vừa mỉm cười vừa nói: “Ngày xưa lúc quen tôi, thời còn hiếm xe máy, ông trở tôi bằng xe đạp cũng chạy nhanh và khoẻ lắm đấy. Tối nay con mình vội vàng vì nó cũng đến tuổi hẹn hò rồi!”

CÂY THÔNG GIẢ
Cũng sắp đến Giáng Sinh, năm mới đến gần, tôi bàn với chồng mua một cây thông thật lớn để ở giữa phòng khách trông mới tương xứng với căn nhà rộng rãi sang trong mới mua. Đang trang trí thêm những cánh thiệp Giáng Sinh người ta gửi chúc mừng lên cây thông, tôi thấy thấp thoáng ngoài cổng có bóng người. Một cô bé đang lưỡng lự có nên bấm chuông cổng hay không. Trên tay cô bé là một bó nhỏ vừa hoa hồng lẫn hoa cúc trắng. Tôi ra mở cổng, hỏi xem cô bé muốn tìm ai, có việc gì. Giọng nói của cô bé hơi ngượng ngịu: “Cho cháu vào cắm hoa cho Đức Mẹ được không cô? Khi còn được ở nhà này, cháu vẫn thường dâng hoa cho Đức Mẹ ở tượng đài góc sân kia.” Lúc đó, tôi nhận ra mình không xứng với ngôi nhà mình có và cây thông giả không thể sánh cùng Đức Mẹ được nhiều người tôn kính, mến yêu.

CÙNG NHAU LÀM HANG ĐÁ
Ba gia đình sát nhà nhau. Ba ông chồng thường ngày vẫn ngồi với nhau uống trà, hút thuốc. Họ gọi nhau là anh hai, chú ba, chú úc. Nhà chú ba có khách ở thành phố về tặng cho một tượng Chúa Hài Đồng và một cây thông, gia đình làm một hang đá trước nhà, có vẻ hãnh diện lắm. Hôm đó, chỉ còn anh hai và chú út ngồi uống trà, nói chuyện. Hai người nói những câu đại loại như: “Mừng Chúa Giáng Sinh cốt ở tấm lòng. Mấy thứ kia chỉ là phù vân, chóng qua.” Ba bà vợ thường gọi nhau đi chợ, hôm nay chỉ còn có hai.
Đến lượt nhà chú úc cũng có tượng Chúa Hài Đồng do thằng con đi làm ở thành phố mang về. Gia đình chú úc cũng có hang đá nho nhỏ trước nhà. Hôm đó, ba ông gia trưởng không thấy ngồi tâm sự với nhau nữa. Ba bà hiền mẫu cũng chẳng còn rủ nhau đi chợ.
Đêm qua có một trận mưa trái mùa, hai cái hang đá nhà chú ba và chú út đều bị hư hại nặng. Người ta thấy ba chị em hàng xóm lại í ới rủ nhau đi chợ và ba anh em láng giềng lại ngồi uống trà hút thuốc với nhau. Họ bàn tính với nhau làm chung một cái hang đá thật lớn và đẹp.

ĐOM ĐÓM VÀ ĐÈN ĐIỆN GIÁNG SINH
Tám năm về trước, tôi cùng một anh bạn có dịp về huyện Giồng Trôm ở Bến Tre. Nhìn xa xa bờ sông, chúng tôi thấy những dây đèn điện nhấp nháy, anh bạn tôi la lên: “Ở đây người ta mừng Giáng Sinh sớm quá!” Đi đến gần hàng cây có ánh điện nhấp nháy, chúng tôi phát hiện ra những chú đom đóm nhiều vô kể. Lạ lùng là chúng chỉ tập trung đậu vào một số cây đó mà thôi. Dân địa phương cho biết đó là cây bần. Đom đóm, không biết vì lý do nào đó, rất thích tập trung ở cây bần. Khá ngạc nhiên về một sự lạ thú vị nhưng tôi thấy buồn buồn vì biết rằng gần đây không có nhà thờ và không có người công giáo. Từ dạo đó đến giờ, tôi chưa thăm lại Giồng Trôm nhưng lòng vẫn thầm nguyện cho công cuộc truyền giáo. Nơi đó sẽ có nhà thờ, có người công giáo và có đèn điện Giáng Sinh thật sự.

...

12 -2010
Dân Chài

http://www.baicamoi.com/?paged=2

No comments:

Post a Comment